Những điều bệnh nhân ung thư cần lưu ý dịp Tết để đảm bảo sức khỏe

Đối với mỗi người Việt Nam, Tết Nguyên đán đều là dịp đáng mong chờ nhất trong một năm. Với những người bị bệnh lý mạn tính, thời gian ở viện nhiều hơn ở nhà, thì Tết cũng là một dịp để được về gia đình, gặp gỡ đầy đủ mọi người. Thế nhưng với bệnh lý nan y như ung thư cũng cần có những lưu ý để sức khỏe được đảm bảo trong suốt những ngày Tết.
13/01/2023 15:30

Tuyệt đối tuân thủ điều trị

Mặc dù tạm dừng hoặc kết thúc sớm liệu trình điều trị tại bệnh viện, thì các bệnh nhân ung thư vẫn cần tuân thủ mọi hướng dẫn liên quan đến điều trị của thầy thuốc. Đối với việc uống thuốc vẫn cần duy trì đủ liều và đúng giờ để đảm bảo không xảy ra bất cứ vấn đề đáng tiếc nào. Trong những ngày Tết thường sẽ diễn ra những bữa tiệc tùy thời gian nhà có khách chứ không cố định chỉ 3 bữa như bình thường. Các bệnh nhân vẫn nên cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng riêng để phù hợp thời gian dùng thuốc điều trị, tránh gián đoạn. 

benh-vien1-16733316167251357722136

Cân đối sinh hoạt nghỉ ngơi

Hạn chế đi lại quá nhiều, quá xa

Thường sức khỏe của bệnh nhân ung thư khá yếu, hoặc thiếu sức bền, chính vì vậy trong dịp nghỉ Tết nên hạn chế việc di chuyển xe cộ quá xa. Khi phải ngồi quá lâu sẽ gây tăng áp lực lên cột sống, ổ bụng dễ gây ra các triệu chứng mệt mỏi, khó chịu cho bệnh nhân. Thứ nữa Tết nếu ở ngoài Bắc thời tiết sẽ rất lạnh, đối với hệ miễn dịch và sức chống chịu bệnh tật yếu khi gặp nhiệt độ thấp dễ gây cảm mạo. Khi ra ngoài nên mặc y phục đủ ấm, che chắn những vùng phong hàn dễ xâm nhập như đầu, mặt, cổ gáy; giữ ấm bụng ngực, tay chân; và nên di chuyển bằng ô tô nếu phải đi hơi xa.

Ngủ đủ giấc cũng rất quan trọng

Thời gian biểu trong những ngày lễ Tết dễ xáo trộn, người bệnh khi ở nhà cần chủ động lắng nghe cơ thể, nghỉ ngơi hợp lý. Đêm nên ngủ đủ 7-8 tiếng, trưa có thể sắp xếp nghỉ ngắn khoảng 30 phút đến 1 giờ. Khi nghỉ ngơi đủ thì cơ thể sẽ có thời gian dừng lại để các tạng phủ vận hành và làm tốt chức năng của mình hơn là khi phải làm việc quá lâu không được nghỉ, nhất là bộ máy tiêu hóa.

Không ăn quá nhiều quá bổ, cũng không kiêng khem quá mức

Hai quan niệm không chính xác và trái ngược nhau tồn tại rất nhiều trong dân ta là:

Vì ốm yếu nên phải ăn thật nhiều đồ bổ béo vậy mới tốt. Tết càng là dịp bạn bè người thân đến thăm hỏi và tặng rất nhiều đồ bổ cho các bệnh nhân như các loại yến, nhung hươu, sâm… Hoặc với người chăm sóc bữa ăn lại hay ép người bệnh ăn thật nhiều có thực phẩm thịt cá vì sợ thiếu chất. Thực chất với bệnh nhân ung thư không thể ăn quá nhiều một lúc vì dễ gây đầy chướng bụng, lâu tiêu, khó chịu hơn có thể buồn nôn, nôn. Những đồ bổ béo kể trên đều khá “nặng đô” với khả năng tiêu hóa của người bệnh. Để điều chỉnh thì nên áp dụng và duy trì chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư: bữa ăn giàu năng lượng, giàu đạm tốt; chia nhỏ bữa ăn thành 4-5 bữa/ ngày; ăn đồ ấm nóng không để sau chế biến quá lâu, đồ ăn dạng loảng, nhuyễn (sữa, canh sup, sinh tố…) cũng là cách tốt giúp dễ tiêu hóa hơn.

Vẫn còn rất nhiều người quan niệm nên “bỏ đói” tế bào ung thư. Nhưng nếu kiêng khem quá nhiều, kiêng tất cả các nguồn carbohydrate thì cơ thể dễ bị thiếu năng lượng, suy nhược thiếu chất. Hơn nữa ngày Tết là thời gian gặp mặt vui vẻ, lại bắt kiêng toàn bộ những thức ăn vặt thì có thể ảnh hưởng tâm trạng người bệnh không vui. Thay vào đó vẫn cần đa dạng hóa các nhóm thức ăn, và kiểm soát nguồn gốc kỹ là được. 

cac-mon-an-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-co-truyen-viet-nam-74509

Chú ý món ăn đưa vào cơ thể và thời gian ăn

Các bữa chính

Vẫn nên ăn nhiều nhất vào buổi sáng, vừa đủ vào bữa trưa và hạn chế ăn no vào bữa tối, nên dừng ăn uống (trừ thuốc nếu phải dùng theo giờ) sau 19h.

Hạn chế các dạng chế biến không tốt cho cả sức khỏe người bình thường như chiên rán, xào, nướng dùng nhiều dầu mỡ, có khí than, hoặc chế biến quá lâu. Ưu tiên các món hầm, luộc, hấp vừa giữ được nhiều thành phần dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hơn cho người bệnh.  

Không ăn thịt đỏ, thịt cá thực phẩm đóng gói đóng hộp, những món đồ sống, muối chua, lên men. Tất cả những thực phẩm này đều có mối liên quan, ảnh hưởng đến tỷ lệ mắc ung thư. Hay các món ăn cổ truyền ngày tết như thịt nấu đông, giò các loại, chả nem…đều dùng thịt lợn, bò để chế biến đều cần tránh ăn.

Bánh chưng dưa hành là món không thể thiếu trong những ngày Tết Nguyên Đán, món ăn từ xa xưa các cụ truyền lại này làm từ các nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn…Hàm lượng chất béo, calo rất cao, nếu ăn nhiều mà không luyện tập tiêu hao đi thì dễ tích tụ chất béo xấu ảnh hưởng tim mạch…Chưa kể các đồ ấy còn không tốt cho dạ dày. 

Nên bổ sung đầy đủ các loại rau, củ, quả cũng giúp ích cho việc tiêu hóa, tránh đầy bụng, lâu tiêu, táo bón…Nhưng nên hạn chế các loại rau thủy canh như rau muống, rau cần vì khó kiểm soát được nguồn trồng. Các bệnh nhân đang có trải qua hóa trị kiêng tuyệt đối ăn sống các loại rau.

Các bữa phụ

Có thể bổ sung nguồn vitamin và đường từ hoa quả tươi. Nhưng cần kiểm soát nguồn gốc, rửa sạch với nước muối, gọt bỏ vỏ và ăn ngay sau khi gọt. Các loại quả bệnh nhân ung thư có thể ăn được như nho, bơ, dâu tây, kiwi, cam, bưởi.. Hoa quả cũng không ăn nhiều vào buổi tối đặc biệt các loại giàu vitamin C.

Các loại hạt trong đĩa bánh kẹo ngày Tết cũng là một thức giàu dinh dưỡng mà bệnh nhân ung thư có thể dùng được: hạt hướng dương, hạt điều, hạt macca, hạt óc chó… Có thể rang, nướng ăn trực tiếp hoặc nấu dạng sữa, hồ dinh dưỡng cũng rất tốt và dễ ăn. Khi ăn dạng nguyên hạt thì chỉ nên ăn lượng nhỏ mỗi lần, và nhai kỹ tránh tăng gánh nặng cho dạ dày.

Bánh kẹo, nước ngọt, nước có gas nên tránh tuyệt đối. Vì hàm lượng đường, chất béo công nghiệp cao trong các sản phẩm này. Chúng có thể làm tăng insulin máu, tăng kích thích phát triển tế bào ác tính, có thể gây nguy hiểm. Thay vào đó có thể dùng các loại hoa quả sấy không thêm đường như: nho khô, táo đỏ, táo đen, long nhãn, mứt vỏ bưởi, vỏ quýt với cam thảo… nếu muốn dùng một chút đồ ngọt khi sinh hoạt quây quần cùng gia đình.

Tuyệt đối tránh xa rượu bia, thuốc lá, cà phê… vì những nguy cơ đã được công bố rất nhiều kể cả với người khỏe mạnh. Để có một cái Tết vui khỏe, an toàn thì các bệnh nhân càng cần chú ý không đụng đến các nhóm chất này.

Nghỉ Tết là một thời gian rất tốt để mỗi người có thể dừng lại, tạm nghỉ ngơi sau những thời gian vất vả công việc của một năm. Với bệnh nhân ung thư cũng là dịp được đoàn tụ với đại gia đình thay vì điều trị ở viện thường xuyên. Và khi nghỉ ngơi tại nhà không có sự kiểm soát của nhân viên y tế thì mỗi cá nhân và gia đình cũng cần phải trở thành một chuyên gia cho chính mình. Bài viết trên đây là một kênh tham khảo về những việc nên hay không nên trong chế độ ăn uống và sinh hoạt nghỉ ngơi giúp ích cho mọi người dịp Tết Nguyên Đán này. Mong rằng tất cả quý bệnh nhân và gia đình đón Tết Quý Mão 2023 vui vẻ, an khang, dồi dào sức khỏe, ngập tràn hạnh phúc!

TS. Lương y Phùng Tuấn Giang 

Chủ tịch Viên Nghiên cứu phát triển Y dược Cổ truyền Việt Nam

Chủ nhiệm Nhà thuốc Thọ Xuân Đường

comment Bình luận

largeer