Những điều cần biết về bệnh quai bị

Quai bị được xem là một trong những bệnh phổ biến ở nước ta. Tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể gây ra những biến chứng khó lường, đặc biệt, chưa có loại thuốc đặc trị cho căn bệnh này.
23/10/2020 17:27

Trước đó năm 2019, Bệnh viện Melatex ghi nhận một trường hợp nam thanh niên 26 tuổi đi khám sức khỏe tiền hôn nhân phát hiện ra tinh hoàn nhỏ, không có tinh trùng. Qua xét nghiệm và khai thác tiền sử, các bác sĩ nhận định nguyên nhân là do hậu quả của chứng quai bị và viêm tinh hoàn từ khi bệnh nhân còn nhỏ.

Theo đó, quai bị là một bệnh thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em, tuy không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng để lại những biến chứng nặng nề về thần kinh và sinh sản như viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm màng não… Đáng lo hơn, căn bệnh này chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu.

Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, hay gây thành dịch ở đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. Dấu hiệu rõ ràng nhất của bệnh là tình trạng sưng phồng 2 má và đau tuyến mang tai (nằm dưới 2 hàm, phía trước tai).

Theo Bộ Y tế – Cục Y tế dự phòng: Bệnh quai bị phân bố rộng trên toàn cầu. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc cao hơn ở những vùng dân cư đông đúc, mức sống thấp, vùng khí hậu thường xuyên mát hoặc lạnh. Tại Việt Nam, bệnh quai bị thường gặp dưới dạng các vụ dịch vừa, nhỏ hoặc ca bệnh tản phát trên cả nước, với tỷ lệ mắc hàng năm dao động từ 10 đến 40 trường hợp trên 100.000 dân, tập trung cao hơn ở các tỉnh miền Bắc và Tây Nguyên.

quai bi

Hình minh họa.

Biến chứng của quai bị:

Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp, không vượt quá 1/100.000 dân, thường xảy ra ở các trường hợp nặng, có viêm não – màng não hoặc viêm nhiều tuyến. Bệnh quai bị ở người lớn tuy ít gặp, nhưng thường nặng và có nhiều biến chứng hơn ở trẻ em. Có thể gặp các biến chứng sau:

Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn: Biến chứng này có tỷ lệ 20-35% ở người sau tuổi dậy thì mắc bệnh quai bị, thường xảy ra sau đợt viêm tuyến mang tai khoảng 7-10 ngày nhưng cũng có thể xuất hiện trước hoặc đồng thời. Khoảng 50% số trường hợp tinh hoàn teo dần và có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh.

Trong một bài trả lời phỏng vấn trên Zing, Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thúy Nga, Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã khuyến cáo bệnh nhân nam mắc quai bị nên đi đông lạnh tinh trùng: "Chúng tôi tiếp nhận khá nhiều trường hợp tới khám vô sinh và chia sẻ họ mắc quai bị vài năm trước. Nguyên nhân là số lượng tinh trùng ở đàn ông sau khi mắc quai bị có thể giảm mạnh, thậm chí không còn. Sau một thời gian theo dõi, chúng tôi phát hiện chất lượng tinh trùng của những người từng mắc quai bị ngày càng giảm".

vo sinh

Hình minh họa.

Nhồi máu phổi: Là tình trạng một vùng phổi bị thiếu máu nuôi dưỡng, có thể tiến đến hoại tử mô phổi.

Viêm buồng trứng: Có tỷ lệ 7% ở nữ sau tuổi dậy thì, ít khi dẫn đến vô sinh .

Viêm tụy: Có tỷ lệ 3% – 7%, là một biểu hiện nặng của quai bị. Bệnh nhân bị đau bụng nhiều, buồn nôn, có khi tụt huyết áp.

Các tổn thương thần kinh: Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến chứng phổ biến nhất của quai bị ở trẻ em là viêm màng não; tổn thương thần kinh sọ não dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh. Minh chứng, Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã từng đăng tải thông tin về trường hợp một nữ bác sĩ công tác tại khoa Tai mũi họng, Bệnh viện 108 bị điếc vĩnh viễn sau khi lây quai bị từ bệnh nhân.

Ngoài ra, ở phụ nữ có thai bị quai bị trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể gây sẩy thai hoặc sinh con dị dạng, trong 3 tháng cuối của thai kỳ có thể sinh non hoặc thai chết lưu.

Một số biến chứng khác: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ, viêm thần kinh thị giác (gây giảm thị lực tạm thời), viêm thanh khí phế quản, viêm phổi, rối loạn chức năng gan, xuất huyết do giảm tiểu cầu.

Bệnh quai bị có thể lây lan, thậm chí bùng phát thành dịch. Phương thức lây lan chủ yếu là qua đường hô hấp.

Virus có trong các hạt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, khạc nhổ, nói chuyện…, người lành hít phải trực tiếp hoặc qua các đồ dùng bị nhiễm dịch hô hấp do bệnh nhân thải ra sẽ có nguy cơ mắc bệnh. Những hạt nước bọt chứa virus sống gây bệnh kích thước nhỏ (từ 5 – 100 mm) có thể phát tán mạnh trong phạm vi 1,5 mét; những hạt cực nhỏ, dạng khí dung (dưới 5 mm) có thể bay lơ lửng nhiều giờ trong không khí ở những không gian kín, gặp gió các hạt khí dung chứa virus có thể phát tán xa hơn.

Virus có trong nước bọt của bệnh nhân quai bị trước khi khởi phát (có sốt, viêm tuyến nước bọt) khoảng 3-5 ngày, và sau khi khởi phát khoảng  7-10 ngày, đây chính là giai đoạn lây truyền của bệnh, trong đó mạnh nhất khoảng 1 tuần xung quanh ngày khởi phát. Virus cũng có thể thấy ở nước tiểu của bệnh nhân trong vòng 2 tuần.

Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.

Phòng ngừa bệnh quai bị:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp người bệnh, không ăn uống chung hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân với người bị bệnh. Tiêm phòng vắc-xin là biện pháp an toàn để chủ động phòng bệnh, mặc dù do vacxin quai bị được kết hợp cùng với sởi và rubella nên hiệu quả bảo vệ bệnh chỉ rơi vào khoảng từ 90 – 95%, tuy nhiên người bệnh sẽ bị bệnh nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh ít hơn nếu đã được tiêm phòng vắc xin, do trong cơ thể đã tạo sẵn kháng thể phòng bệnh.

Dương Nhung (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer