Những điều cần biết về bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến đặc trưng bởi các dát đỏ ranh giới rõ, trên có nhiều vảy da trắng dễ bong, có thể kèm theo tổn thương móng và khớp.
14/12/2023 15:27

Vảy nến là bệnh mạn tính kéo dài, tiến triển từng đợt, nhưng có thể kiểm soát tốt nếu điều trị đúng. Nếu bỏ điều trị hoặc điều trị không đúng có thể làm bệnh ngày càng nặng hơn, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bệnh không lây, không gây tử vong nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

fe

(Ảnh: Dân trí)

Nguyên nhân

Căn nguyên gây bệnh hiện chưa được biết rõ. Bệnh có sự tham gia của nhiều yếu tố: miễn dịch, di truyền và các yếu tố liên quan như nhiễm khuẩn, chấn thương, những căng thẳng gây suy sụp thể chất và tinh thần, việc sử dụng một số thuốc không hợp lý….

Triệu chứng

- Tổn thương da:  là các dát đỏ ranh giới rõ, bề mặt nhiều vảy da trắng dễ bong. Một số trường hợp thể đặc biệt - tổn thương có thể là các mụn mủ nhỏ như đầu ghim, nông, trên nền da đỏ (trong vảy nến thể mủ) hoặc tổn thương đỏ da bong vảy toàn thân (đỏ da toàn thân vảy nến). Vị trí thường gặp là da đầu, khuỷu tay, đầu gối, thân mình, cẳng tay, cẳng chân...

- Tổn thương móng: có thể bị cả móng tay, móng chân. Biểu hiện là rỗ móng, dày, mủn, vàng móng...

- Tổn thương khớp: sưng, đau hoặc biến dạng các khớp không phục hồi…

Bệnh có các thể lâm sàng thường gặp: vảy nến thể thông thường, vảy nến thể mủ, đỏ da toàn thân vảy nến, vảy nến thể khớp. Tổn thương cơ bản biểu hiện khác nhau tùy từng thể lâm sàng.

Điều trị

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến nhưng nếu tuân thủ các chỉ định điều trị và có chế độ sinh hoạt phù hợp thì sẽ duy trì được sự ổn định bệnh kéo dài, hạn chế các đợt bùng phát.

Các trường hợp vảy nến nhẹ hầu hết được kiểm soát bằng thuốc bôi tại chỗ. Các trường hợp bệnh mức độ trung bình và nặng ngoài thuốc bôi sẽ cần dùng thêm liệu pháp ánh sáng, thuốc uống hoặc thuốc sinh học.

- Thuốc bôi tại chỗ:

+ Corticoid, calcipotriol, salicylic… được sử dụng tùy thuộc vào độ tuổi người bệnh, vị trí và mức độ nặng của tổn thương với thời gian dùng hợp lý để tránh bị tác dụng phụ.

+ Kem dưỡng ẩm làm giảm ngứa, khô da, giúp giảm tần suất phải sử dụng corticoid đường bôi, có vai trò quan trọng trong kiểm soát ổn định bệnh. Cần sử dụng thường xuyên cả khi có và không có tổn thương da.

- Liệu pháp ánh sáng: tia UVA, UVB được sử dụng trong điều trị vảy nến có kết quả tốt. Liệu trình điều trị trung bình khoảng 3 tháng, mỗi tuần chiếu 2 đến 3 lần.

- Thuốc điều trị toàn thân:

+ Các thuốc thường được dùng trong điều trị vảy nến là: Methotrexate, Acitretin, Cyclosporin A...  sẽ lựa chọn loại thuốc điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

+ Các thuốc sinh học: adalinumab, ustekinumab, secukinumab, guselkumab...hiệu quả, được dùng cho các trường hợp bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị toàn thân khác hoặc được sử trường hợp bệnh ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuốc sống.

+ Nhiều loại thuốc điều trị khác vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và phát triển.

Các xét nghiệm máu cần được làm trước, và trong suốt quá trình điều trị để theo dõi bệnh và tác dụng phụ của thuốc.

Bạn cần làm gì khi bị Vảy nến?

Trao đổi với bác sĩ về những ảnh hưởng của bệnh vảy nến đến sức khỏe và cuộc sống của bạn, mục tiêu bạn muốn đạt được khi điều trị bệnh.

Điều chỉnh lối sống: chế độ ăn cân bằng, tránh thừa cân, tập thể dục đều đặn.

Không hút thuốc.

Hạn chế uống bia rượu.

Tránh căng thẳng.

Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hoặc ngừng sử dụng thuốc khi không có ý kiến của bác sỹ chuyên khoa. Đặc biệt không tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc.

Tái khám và theo dõi thường xuyên tại cơ sở y tế

Ths.BS Trịnh Thị Linh, Khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương

comment Bình luận

largeer