Những người lặng thầm gieo hy vọng trong bệnh viện

Không chỉ là cầu nối giữa bệnh nhân và bệnh viện, phòng Công tác Xã hội còn mang đến sự hỗ trợ toàn diện về tài chính, tâm lý và tinh thần cho những người đang điều trị. Với sự tận tâm và lòng nhân ái, những nhân viên công tác xã hội luôn đồng hành, sẻ chia, giúp bệnh nhân vượt qua khó khăn và tìm lại niềm tin vào cuộc sống.
26/03/2025 08:50

Nhân dịp Ngày Công tác Xã hội, phóng viên Tạp chí Sức Khỏe Cộng Đồng đã có cuộc trò chuyện với những người đã gắn bó lâu năm trong lĩnh vực này. Anh Nguyễn Phi Hùng, Phó Trưởng phòng Công tác Xã hội tại Bệnh viện Mắt TP. HCM, với hơn 4 năm kinh nghiệm và chị Đỗ Thị Thùy Dương - người đã dành 6 năm cống hiến cho công tác xã hội, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa và thách thức trong hành trình hỗ trợ bệnh nhân.

Anh Nguyễn Phi Hùng đang hướng dẫn cho người dân đến khám chữa bệnh

Anh Nguyễn Phi Hùng đang hướng dẫn cho người dân đến khám chữa bệnh

Anh chị có thể chia sẻ về những hoạt động chính của phòng Công tác Xã hội không?

Anh Phi Hùng: Công tác Xã hội trong bệnh viện bao gồm ba mảng chính:

Hỗ trợ người bệnh: Giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, đang điều trị nội trú và ngoại trú, tìm kiếm nguồn tài chính để tiếp tục chữa trị.

Chăm sóc khách hàng: Hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh, giải đáp thắc mắc, tư vấn và hướng dẫn bệnh nhân.

Truyền thông: Cung cấp thông tin về bệnh viện, các chương trình y tế, nâng cao nhận thức về sức khỏe cho cộng đồng.

Chị Thuỳ Dương, điều gì đã dẫn chị đến với công việc này?

Trước đây, tôi là điều dưỡng. Khi chuyển sang lĩnh vực Công tác Xã hội, tôi nhận ra mình có nhiều cơ hội hơn để hỗ trợ người bệnh, không chỉ về điều trị mà còn về tâm lý, kinh tế và tinh thần.

Vậy đâu là điểm khác biệt giữa công việc điều dưỡng và Công tác Xã hội khiến chị quyết định thay đổi?

Chị Thuỳ Dương: Cả hai công việc đều hướng đến hỗ trợ bệnh nhân, nhưng phạm vi có sự khác biệt. Khi làm điều dưỡng, tôi chỉ có thể giúp bệnh nhân trong một khoa phòng cụ thể. Còn khi làm công tác xã hội, tôi có thể hỗ trợ tất cả bệnh nhân trong bệnh viện – từ lúc nhập viện, trong quá trình điều trị, cho đến khi xuất viện và trở về nhà. Điều đó giúp tôi mở rộng vai trò của mình, không chỉ chăm sóc y tế mà còn hỗ trợ bệnh nhân giải quyết khó khăn về tài chính, tâm lý và các vấn đề xã hội khác.

Nhân viên chăm sóc khác hàng hướng dẫn người nhà bệnh nhân sử dụng xe lăn

Nhân viên chăm sóc khác hàng hướng dẫn người nhà bệnh nhân sử dụng xe lăn

Anh Phi Hùng, anh đánh giá vai trò của Công tác Xã hội trong bệnh viện như thế nào? Đồng thời, theo anh/chị, những khó khăn và thách thức lớn nhất trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân là gì?

Bên cạnh điều trị chuyên môn, các yếu tố tâm lý, kinh tế, tinh thần đều ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Công tác Xã hội đóng vai trò kết nối, hỗ trợ người bệnh và tạo ra một môi trường điều trị nhân văn hơn.

Khó khăn lớn nhất trong công tác này chính là cần có sự tâm huyết, yêu nghề và đồng cảm với người bệnh. Khi đã có tâm và tài, chúng ta sẽ tìm cách vượt qua mọi thử thách. Tuy nhiên, thực tế vẫn là "có thực mới vực được đạo" – muốn giúp đỡ người khác, bản thân chúng tôi cũng cần có điều kiện. Chẳng hạn, khi bệnh nhân gặp khó khăn về chi phí điều trị, chúng tôi phải tìm kiếm các nguồn quỹ hỗ trợ, kêu gọi tài trợ từ các tổ chức và nhà hảo tâm.

Ngoài ra, việc hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân cũng là một thách thức. Chúng tôi không chỉ cần sự thấu hiểu mà còn phải không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức về tâm lý và giao tiếp để giúp bệnh nhân tốt hơn.

Trong quá trình làm việc, anh chị đã gặp những câu chuyện nào để lại ấn tượng sâu sắc và khiến anh chị đặc biệt đồng cảm không?

Chị Thuỳ Dương: Thật lòng mà nói, có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Mỗi chương trình, mỗi hoạt động của phòng Công tác Xã hội đều như những đứa con tinh thần mà chúng tôi đã dành rất nhiều tâm huyết để tổ chức.

Chẳng hạn, chương trình "Âm nhạc trị liệu" ban đầu chỉ được tổ chức mỗi quý, nhưng khi nhận thấy người bệnh vui vẻ, lạc quan hơn trước những ca phẫu thuật hay đợt điều trị, chúng tôi quyết định tăng tần suất lên hàng tháng. Trong hai năm qua, chương trình này đã mang lại rất nhiều nụ cười và khoảnh khắc ấm áp.

Bên cạnh đó, "Sinh nhật Hồng" dành cho các bé đang điều trị tại bệnh viện cũng là một dấu ấn đặc biệt. Chúng tôi loại bỏ hoàn toàn những nghi thức trang trọng, chỉ tập trung mang đến niềm vui cho các bé và gia đình. Hội trường bệnh viện được trang trí rực rỡ, có bánh kem, quà tặng và cả những nghệ sĩ hóa trang thành chú hề vui nhộn. Những giây phút đó khiến tôi càng yêu nghề hơn và quyết tâm gắn bó với công tác xã hội.

Sự đồng cảm với bệnh nhân không chỉ đến từ những hoàn cảnh khó khăn mà còn từ chính quá trình điều trị của họ. Trước đây, khi còn làm điều dưỡng, tôi thường gặp các bệnh nhân sau mổ bong võng mạc. Những bệnh nhân này phải duy trì tư thế đặc biệt - nằm sấp hoặc cúi đầu trong thời gian dài, khoảng 2 - 3 tuần sau mổ. Đây là một tư thế rất khó chịu, gây nhiều bất tiện, thậm chí ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị nếu họ không tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ.

Nhận thấy vấn đề này, tôi đã đề xuất thiết kế một loại gối chuyên dụng, tương tự như gối dùng trong các tiệm massage, có phần lõm giúp bệnh nhân nằm sấp dễ dàng hơn. Phòng Công tác Xã hội đã kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ sản xuất những chiếc gối này để cho bệnh nhân mượn miễn phí. Nếu bệnh nhân thực sự khó khăn, chúng tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ mà không yêu cầu hoàn trả.

Sáng kiến này đã giúp rất nhiều bệnh nhân sau mổ võng mạc cảm thấy thoải mái hơn và hỗ trợ tốt hơn cho quá trình hồi phục.

Nhân viên chăm sóc khách hàng ghi thông tin giúp người cao tuổi

Nhân viên chăm sóc khách hàng ghi thông tin giúp người cao tuổi

Anh Phi Hùng: Mỗi trường hợp tôi giúp đỡ đều để lại những cảm xúc đặc biệt, vì tôi luôn đồng hành cùng bệnh nhân. Một trong những câu chuyện khiến tôi nhớ mãi là vào dịp cuối năm 2024, khi chúng tôi tiếp nhận một trường hợp rất đáng thương.

Đó là một gia đình có bảy bé nhỏ, cha mẹ ly hôn và bỏ đi, để lại các bé sống với ông bà ngoại già yếu. Hai ông bà đã ngoài 60 – 70 tuổi nhưng vẫn phải bán vé số để nuôi chín miệng ăn. Điều đáng buồn hơn, cả bảy bé đều bị suy giảm thị lực bẩm sinh, mắt mờ nhòe, không thể đi học bình thường.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi phát hiện nếu có đủ kinh phí điều trị, các bé hoàn toàn có cơ hội phục hồi thị lực và được đến trường. Nhận thấy đây là một cơ hội thay đổi cuộc đời các bé, Phòng Công tác Xã hội đã kêu gọi sự giúp đỡ từ các mạnh thường quân. Cá nhân tôi cũng liên hệ với một người anh/chị quen biết để xin tài trợ.

Nhờ sự chung tay của cộng đồng, hai bé đã được phẫu thuật trước Tết, đón một cái Tết ý nghĩa hơn. Sau Tết, chúng tôi tiếp tục vận động thêm nguồn lực và phẫu thuật thêm hai bé nữa. Hiện tại, ba bé còn lại đang trong giai đoạn theo dõi, tạm thời chưa cần phẫu thuật ngay nhưng đã được cấp kính để hỗ trợ tầm nhìn.

Nhìn thấy các bé dần lấy lại ánh sáng, được đến trường và có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác, tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc. Đây chính là ý nghĩa lớn nhất của công việc mà tôi đang làm.

Gần đây, bệnh viện đã triển khai tổng đài hỗ trợ bệnh nhân. Anh/chị có thể chia sẻ về hiệu quả của hệ thống này?

Anh Phi Hùng: Tổng đài đặt lịch khám của bệnh viện đi vào hoạt động từ tháng 10/2024 và đến nay đã gần một năm. Hệ thống này đặc biệt hữu ích cho người lớn tuổi hoặc những bệnh nhân không rành về công nghệ, giúp họ đăng ký khám mà không cần đến trực tiếp bệnh viện để lấy số.

Thay vì phải xếp hàng chờ đợi hàng giờ, bệnh nhân chỉ cần gọi đến tổng đài để lấy số thứ tự. Sau đó, họ sẽ nhận được tin nhắn thông báo về số thứ tự và khung giờ khám cụ thể. Khi đến bệnh viện, họ có thể đến thẳng quầy tiếp nhận mà không phải chờ đợi lâu như trước.

Ngoài ra, bệnh viện cũng triển khai ứng dụng đăng ký khám trực tuyến dành cho những người quen thuộc với công nghệ. Bệnh nhân có thể đặt lịch khám qua ứng dụng, thanh toán không dùng tiền mặt qua app (ứng dụng) hoặc quét QR code, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian.

Tất cả những tiện ích này đều hướng đến mục tiêu chung: giúp bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận tiện, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ấm ấp chương trình

Ấm ấp chương trình "Sinh nhật hồng cho bé" của Nhóm Chú hề

Theo anh/chị, cần làm gì để nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác xã hội trong bệnh viện? Ngoài ra, việc phối hợp với phòng Công tác Xã hội thay vì thực hiện thiện nguyện tự phát mang lại những lợi ích gì?

Anh Phi Hùng: Công tác xã hội trong bệnh viện có thể ví như người con út trong đại gia đình ngành Y tế. Các khoa phòng khác đã có bề dày lịch sử lâu đời, trong khi công tác xã hội mới chỉ được chính thức hình thành từ năm 2016. Vì vậy, để phát triển mạnh hơn, chúng tôi cần không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, học hỏi từ những mô hình thành công tại các bệnh viện lớn để áp dụng phù hợp với đơn vị mình.

Bên cạnh đó, nguồn lực đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng tôi luôn tìm kiếm và huy động sự hỗ trợ từ cả trong và ngoài bệnh viện để có thể giúp đỡ nhiều bệnh nhân hơn. May mắn là trong những năm gần đây, công tác xã hội ngày càng được công nhận và xuất hiện nhiều hơn trên các kênh truyền thông. Nhờ đó, khi nhắc đến hoạt động thiện nguyện trong bệnh viện, người dân đã có thói quen tìm đến phòng Công tác Xã hội, giúp đảm bảo nguồn lực hỗ trợ được phân bổ đúng đối tượng, minh bạch và hiệu quả hơn.

Khi làm từ thiện, ai cũng xuất phát từ cái tâm. Nhưng nếu có một đơn vị làm cầu nối, sự hỗ trợ sẽ đến đúng đối tượng và đúng mục đích hơn. Phòng Công tác Xã hội của bệnh viện có danh sách cụ thể những bệnh nhân cần giúp đỡ. Khi các mạnh thường quân hay tổ chức thiện nguyện muốn hỗ trợ, họ có thể liên hệ trực tiếp với phòng để được hướng dẫn, gặp gỡ bệnh nhân và đóng viện phí một cách minh bạch.

Việc đóng viện phí trực tiếp không chỉ giúp bệnh nhân được điều trị kịp thời mà còn đảm bảo số tiền hỗ trợ được sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro khi đưa tiền mặt cho người bệnh hoặc người nhà. Không chỉ riêng Bệnh viện Mắt TP. HCM mà tất cả các bệnh viện khác đều có phòng Công tác Xã hội để tiếp nhận và phân phối nguồn lực thiện nguyện hiệu quả. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, ngày càng có nhiều người biết đến và đồng hành cùng công tác xã hội trong bệnh viện, để những bệnh nhân thực sự cần giúp đỡ nhận được sự hỗ trợ kịp thời và đúng đắn.

Nhân dịp kỷ niệm ngành, anh/chị có lời nhắn nhủ nào dành cho các đồng nghiệp làm công tác xã hội trong bệnh viện cũng như những bạn trẻ đang quan tâm đến lĩnh vực này?

Anh Phi Hùng: Trước hết, tôi muốn gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả các anh chị em làm công tác xã hội trong ngành y tế. Công việc này đòi hỏi tinh thần kiên định, lòng nhiệt huyết và sự tận tâm với người bệnh.

Thực ra, tôi đã có duyên với lĩnh vực này từ những ngày đầu đi làm, bởi luôn yêu thích các hoạt động thiện nguyện. Nhưng chính thức bước vào công tác xã hội là từ thời điểm dịch COVID-19, khi tôi được phân công hỗ trợ trong giai đoạn đầy khó khăn đó. Đây thực sự là nơi giúp tôi phát triển không chỉ về chuyên môn mà còn về tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Tôi chỉ mong rằng những ai đang làm công tác xã hội hãy luôn giữ vững ngọn lửa yêu thương dành cho bệnh nhân, đừng để những khó khăn cá nhân hay chuyện buồn trong cuộc sống làm mờ đi lý tưởng ban đầu của mình. Công việc này đôi khi rất vất vả, nhưng chỉ cần một nụ cười, một cái nắm tay hay một cử chỉ quan tâm nhỏ cũng đủ để xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân.

Chương trình âm nhạc

Chương trình âm nhạc "Tùng cánh yêu thương" do nhóm Quỹ Phụng sự phối hợp với Phòng Công tác Xã hội tổ chức cho các bệnh nhân

Với các bạn trẻ đang quan tâm đến ngành công tác xã hội nhưng chưa có động lực theo đuổi, tôi muốn nhắn rằng hiện nay lĩnh vực này đang được mở rộng trong nhiều trường đại học, kể cả các trường y cũng đã có chuyên ngành đào tạo bài bản. Công tác xã hội không chỉ có trong bệnh viện mà còn hiện diện khắp nơi trong xã hội.

Các bạn trẻ ngày nay có lòng trắc ẩn rất lớn đối với những người yếu thế, đặc biệt là bệnh nhân khó khăn. Rất nhiều nhóm thiện nguyện tổ chức phát cơm, hỗ trợ người vô gia cư hay thực hiện các hoạt động từ thiện khác. Nếu thực sự yêu thích công việc này, các bạn hãy tham gia vào các hoạt động thiện nguyện tại phòng Công tác Xã hội của bệnh viện để có cái nhìn thực tế hơn, hiểu rõ vai trò của lĩnh vực này và nếu có đam mê, có thể đăng ký theo học để phát triển sự nghiệp.

Có vẻ như nếu một nhân viên công tác xã hội có nền tảng chuyên môn về y tế, họ sẽ hỗ trợ bệnh nhân toàn diện hơn?

Anh Phi Hùng: Đúng vậy! Nếu một nhân viên công tác xã hội có chuyên môn y khoa, họ không chỉ có thể tư vấn về điều trị mà còn hỗ trợ bệnh nhân về nhiều khía cạnh khác. Điều đó giống như "hổ thêm cánh" - giúp họ dễ dàng kết nối với bệnh nhân, hiểu được những khó khăn mà bệnh nhân đang đối mặt, từ đó đưa ra sự hỗ trợ phù hợp hơn.

Công tác xã hội trong bệnh viện rất rộng, là cầu nối giữa bệnh nhân với bệnh viện ngay từ khi họ bước chân vào cổng. Nếu bệnh nhân gặp khó khăn trong quá trình điều trị, phòng Công tác Xã hội sẽ là nơi hỗ trợ. Ngay cả khi bệnh nhân xuất viện, nếu còn băn khoăn hay cần được tư vấn thêm, họ vẫn có thể liên hệ với chúng tôi.

Chính vì vậy, những ai có cả nền tảng y khoa và đam mê công tác xã hội sẽ có rất nhiều cơ hội để phát huy khả năng, giúp đỡ nhiều người hơn.

Cảm ơn anh/chị đã chia sẻ những thông tin ý nghĩa này. Chúc phòng Công tác Xã hội tiếp tục phát triển và giúp đỡ được nhiều bệnh nhân hơn trong thời gian tới!

Cao Ánh

comment Bình luận

largeer