Những người mắc bệnh lý hô hấp nên lựa chọn môn thể thao và tập luyện như thế nào?

Nếu mắc các bệnh lý hô hấp mạn tính như viêm phế quản mạn, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thì chúng ta nên lựa chọn môn thể thao và tập luyện như thế nào?
10/11/2022 09:10

Tập luyện thể lực là cách đơn giản nhất để tăng cường năng lực hô hấp, bởi quá trình vận động đòi hỏi tăng nhu cầu oxy và dinh dưỡng ở các mô cơ. Do đó, hệ hô hấp và tuần hoàn phải tăng cường hoạt động, dẫn đến những biến đổi về cấu trúc của tim phổi để phù hợp với chức năng, cải thiện sự giãn nở của lồng ngực, cải thiện lực và sức bền của các cơ hô hấp giúp tăng thể tích và độ sâu hô hấp, tăng thông khí phổi, tăng cường quá trình trao đổi oxy ở phổi.

Đối với những người mắc một số bệnh lý hô hấp mạn tính như viêm phế quản mạn, hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ngoài việc tuân thủ chế độ điều trị và kiểm soát bệnh cần kiên trì chương trình tập luyện phục hồi chức năng hô hấp phù hợp. Các bài tập thở, các bài tập vận động thích hợp sẽ góp phần nâng cao khả năng hoạt động thể lực, cải thiện thông khí phổi, giảm bớt tình trạng khó thở chung và khó thở gây ra do gắng sức.

Đi bộ mỗi ngày

Đi bộ mỗi ngày là hình thức tập luyện đơn giản và phù hợp với hầu hết các lứa tuổi, đặc biệt là người cao tuổi. Đi bộ 30 phút mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, giúp khí huyết lưu thông, tăng tuần hoàn máu, tăng dẻo dai thành mạch, điều hòa huyết áp, hỗ trợ tốt cho hệ hô hấp.

hohk-16153679100111-1649338715545993679352

(Ảnh minh họa)

Tốc độ đi bộ nên điều chỉnh theo tuổi tác và tình hình sức khỏe cá nhân. Tuy nhiên không nên đi bộ vào lúc trời còn quá sớm, nhiều sương, khi thời tiết lạnh, không khí bị ô nhiễm nặng.

Yoga

Yoga cũng là hình thức tập luyện phù hợp với người cao tuổi để tăng cường sức bền của hệ hô hấp. Tập luyện yoga thường xuyên giúp tăng khả năng vận động linh hoạt, giảm các triệu chứng về cột sống, tăng sức mạnh của chân nên đứng vững vàng hơn, làm chậm quá trình lão hóa…

Các bài tập yoga phù hợp với người cao tuổi thường là những động tác nhẹ nhàng thiên về thở, thiền, chuyển động chậm. Để tăng hiệu quả, người lớn tuổi nên tập luyện với sự hướng dẫn của giáo viên kinh nghiệm.

Dưỡng sinh

Dưỡng sinh là phương pháp tập luyện gồm 3 nội dung chính gồm luyện tập, ăn uống và thái độ trong cuộc sống. Tập dưỡng sinh rất phù hợp với người cao tuổi, người sức khỏe yếu, mắc bệnh mãn tính, bệnh hô hấp.

Tập dưỡng sinh rất có lợi cho hệ hô hấp ở người lớn tuổi. Khi tập luyện, người cao tuổi sẽ giữ được khả năng thở sâu và đều, tránh tình trạng hụt hơi khó thở khi về già.

Đạp xe

Đạp xe đều đặn 30 phút mỗi ngày là cách giúp người lớn tuổi duy trì sức khỏe và sự dẻo dai của cơ thể. Đạp xe mỗi ngày không chỉ đốt cháy calo hiệu quả mà còn giúp lưu thông khí huyết, điều hòa nhịp thở, giảm huyết áp, cải thiện mức cholesterol giúp tim khỏe mạch, đồng thời giải tỏa âu lo, căng thẳng…

Bơi lội

Bơi lội làm tăng dung tích sống của phổi. Dung tích sống của phổi của nhiều vận động viên bơi lội tăng hơn bình thường từ 1,5- 2 lít. Dung tích sống của phổi càng cao, khả năng bền bỉ trong lao động, vận động càng nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho hô hấp và làm giảm các cơn hen.

Tuy nhiên, cần lưu ý những người dễ mắc chứng hen suyễn do tập thể dục có xu hướng nhạy cảm với cả không khí khô và nhiệt độ thấp. Trong quá trình thở, không khí được làm ấm và làm ẩm khi đi qua mũi. Tuy nhiên, khi tập thể dục, nhu cầu tăng cao của cơ thể dẫn đến thở nhanh và sâu hơn, và thậm chí là phải thở bằng miệng. Điều này dẫn đến việc không khí khô, lạnh đi vào đường hô hấp dưới và phổi. Đây thường là nguyên nhân chính làm khởi phát tình trạng hẹp đường thở (co thắt phế quản), dẫn đến chứng hen suyễn do tập thể dục.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

comment Bình luận

largeer