Những nguyên tắc chung về dinh dưỡng trong dự phòng COVID-19

Hưởng ứng tuần lễ "Dinh dưỡng và phát triển" năm 2021 (13/10/2021 - 16/10/2021), chúng ta cần biết những nguyên tắc chung về dinh dưỡng trong dự phòng COVID-19.
15/10/2021 15:52

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa COVID-19.

Viện Dinh dưỡng quốc gia đã đưa ra hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng hợp lý trong dự phòng COVID-19. Cụ thể, về việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cần:

- Ăn đủ số lượng thực phẩm theo tháp dinh dưỡng theo lứa tuổi của Viện Dinh dưỡng; ăn đủ 3 bữa chính, không bỏ bữa, có thể thêm 1-3 bữa phụ.

- Với người mắc bệnh cần thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng phù hợp bệnh lý theo sự tư vấn của cán bộ dinh dưỡng hoặc bác sĩ.

- Uống đủ nước và thực hiện uống nước đúng cách, cơ thể hàng ngày cần khoảng 2-2,5 lít nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước mất qua các con đường khác nhau.

- Về việc đa dạng thực phẩm để hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể cần: ăn đa dạng thực phẩm, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và đủ 4 nhóm thực phẩm chính: nhóm cung cấp chất bột đường (gạo, bún, phở, bánh mì, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến); nhóm cung cấp chất đạm/protein (thịt, cá, các loại thủy hải sản, trứng, sữa, các loại đậu hạt và các sản phẩm chế biến); nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ (rau lá, rau củ quả, trái cây/quả chín…); nhóm cung cấp chất béo (dầu, mỡ, các loại hạt có dầu). Người trưởng thành nên ăn dầu thực vật, dầu cá, hạn chế mỡ động vật; ngược lại trẻ em ăn mỡ động vật tốt hơn ăn dầu.

- Không nên ăn mặn, mỗi ngày chỉ nên ăn dưới 5 g muối.

- Ngoài ra, để phòng chống các bệnh như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp, người dân cần hạn chế uống rượu, bia và không hút thuốc lá, thuốc lào.

- Nên quan tâm đến các loại thực phẩm giầu chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể như: chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, thực phẩm chứa flavonoid và omega-3 trong khẩu phần ăn hàng ngày.

- Ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động: Giấc ngủ giúp cơ thể hồi phục sau thời gian làm việc căng thẳng. Ngủ không đủ giấc cơ thể sẽ bị giảm sức đề kháng và dễ mắc bệnh. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày. Trong mùa dịch đặc biệt thời gian giãn cách xã hội các chị em vẫn nên duy trì tập luyện thể lực đều đặn; nếu không được ra ngoài đi bộ, tập thể dục ngoài trời có thể đi bộ và tập trong nhà (chị em có thể vào mạng internet và mở chương trình “WALK at Home”, “yoga at home”, “Zumba” và “we love dance” để tập, rất thú vị và hiệu quả. Mỗi ngày nên tập ít nhất 30-60 phút để có thể ngủ ngon, cơ thể khoẻ mạnh.

dambaochatdinhduong

Những thực phẩm nào giầu dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch?

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, dinh dưỡng trong phòng chống COVID-19 chính là dinh dưỡng hợp lý theo nguyên tắc dinh dưỡng cho từng đối tượng (theo lứa tuổi, theo bệnh mạn tính hiện đang mắc). Chế độ dinh dưỡng hợp lý là quan trọng nhất, ăn đa dạng thực phẩm giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng cường miễn dịch chứ không có một loại thực phẩm riêng biệt nào có tác dụng phòng ngừa COVID-19.

Dinh dưỡng chủ động tăng cường miễn dịch là sự cung cấp đầy đủ, đúng lúc và cân đối giữa những chất dinh dưỡng làm nguyên liệu tổng hợp các chất, các tế bào liên quan đến hệ miễn dịch và tác động đến sự điều hòa những hoạt động của hệ miễn dịch. Nguyên liệu đó bao gồm chất đạm (protein)- các acid amin cần thiết, vitamin A/beta caroten, vitamin C, vitamin D3, vitamin E, selen, sắt, kẽm, một số thực phẩm chứa flavonoid, Omega-3, omega-6 và probiotics.

Nguồn thực phẩm cung cấp các chất tăng cường miễn dịch:

- Chất đạm: cần phối hợp cả thức ăn cung cấp đạm động vật và thực vật (các loại đậu, đỗ hạt).

- Vitamin A và Beta-caroten: có nhiều trong thịt, cá, trứng, gan, sữa, súp lơ xanh, rau chân vịt, khoai lang nghệ, bí ngô, cà rốt, cam, xoài chín, gấc...

- Vitamin C: Là một loại vitamin thiết yếu cho hệ thống miễn dịch của cơ thể. Các loại thực phẩm có chứa Vitamin C như: súp lơ trắng, bông cải xanh, cà chua, cam, chanh, ổi, bưởi…

- Vitamin D: Sữa, lòng đỏ trứng, tôm, cá hồi… những thực phẩm này có chứa nhiều Vitamin D – Đây là loại vitanmin cần bổ sung hàng ngày làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở cả trẻ em và người trưởng thành. 

- Vitamin E: Vitamin E có thể thúc đẩy sự phát triển của các cơ quan miễn dịch, sự phân hóa của các tế bào. Thực phẩm giàu vitamin E gồm các loại hạt như hạt hướng dương, các sản phẩm từ đậu nành, lúa mì, giá đỗ, rau mầm...

- Selen: có trong gạo nâu, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, rong biển, cá, tôm, hải sản...

- Sắt: có trong thịt, cá, gan, trứng, rau xanh, đậu đỗ... Sắt từ nguồn động vật sẽ dễ hấp thu hơn sắt nguồn thực vật.

- Kẽm: có nhiều trong hàu, cá, hải sản, thịt gia cầm...

- Omega 3: Là 1 loại acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, được biết đến với hiệu quả ức chế viêm, giữ cho hệ thống miễn dịch trong tầm kiểm soát. Omega 3 có nhiều trong các sản phẩm: dầu cá, dầu gan cá và một số loại hạt như óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt chia...

- Các flavonoids: cần tăng cường ăn các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, nho, táo, cherry, black beri; quả mâm xôi, dâu tây, trà xanh, rượu vang đỏ...

- Probiotic: Các loại thực phẩm có các loại vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe (Probiotic) như các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (natto, miso) và các loại thực phẩm có bổ sung probiotic…

- Có thể bổ sung thêm các viên đa vi chất, dầu cá (omega 3) trong trường hợp cần thiết.

Nắm vững kiến thức về dinh dưỡng, khéo lựa chọn thực phẩm sẵn có tại địa phương phù hợp với điều kiện của gia đình và tổ chức bữa ăn hợp lý sẽ góp phần quan trọng nâng cao sức đề kháng cho cả gia đình, chiến thắng dịch COVID-19.

Thu Trang (Tổng hợp)

comment Bình luận

largeer