Những thói quen uống nước tốt cho sức khỏe đường ruột

Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh không chỉ đảm bảo ăn uống ngon miệng, hấp thu tốt dưỡng chất, mà còn giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa bệnh tật. Vì thế, duy trì một hệ khuẩn đường ruột đa dạng và khỏe mạnh là điều rất quan trọng, nhất là với người lớn tuổi.
06/04/2022 15:55

Theo các chuyên gia sức khỏe Mỹ, thói quen uống nước lành mạnh là một trong những yếu tố rất cần thiết để thúc đẩy sức khỏe đường ruột. Dưới đây là những thói quen uống nước mà người lớn tuổi nên thực hiện:

Uống đủ nước mỗi ngày

Chuyên gia dinh dưỡng Roxana Ehsani, phát ngôn viên của Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ), cho biết: “Uống đủ nước hàng ngày là điều cần thiết đối với sức khỏe tổng thể và ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột của chúng ta. Nước loại bỏ chất thải và độc tố, nhưng nếu chúng ta mất nước và uống không đủ nước, nó có thể gây táo bón và ức chế quá trình đào thải chất thải khỏi cơ thể". Chuyên gia dinh dưỡng Megan Roosevelt, nhà sáng lập HealthyGroceryGirl, nói thêm: “Lão hóa có thể khiến một số người mất cảm giác khát nước, ít hứng thú với việc uống nước và điều này dẫn đến mất nước. Do đó, người lớn nên tiêu thụ 8-10 ly nước mỗi ngày”. Nếu chán nước lọc, hãy tăng hương vị cho nó bằng cách thêm vài lát bưởi hoặc cam, uống trà thảo mộc túi (dùng nóng hoặc uống với đá lạnh).

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hạn chế thêm đường và chuyển sang dùng các chất thay thế đường

Theo chuyên gia Roosevelt, một số nghiên cứu chỉ ra rằng dung nạp nhiều đường có thể tổn hại cho hệ khuẩn đường ruột dẫn đến những tác động xấu như gây viêm. Khi có tuổi, tình trạng viêm mãn tính dễ dẫn đến nhiều bệnh như tim mạch và ung thư. Do đó, chuyển từ dùng đường tinh luyện sang các sản phẩm thay thế có nguồn gốc tự nhiên (như mật ong, đường dừa, đường thô, đường cỏ ngọt stevia, xirô cây phong...) là cách dễ thực hiện để bảo vệ sức khỏe đường ruột khi lớn tuổi.

Dùng sinh tố “thân thiện” với ruột

Theo Ehsani, một ly sinh tố có lợi cho đường ruột nên sử dụng các thành phần gồm: sữa chua, trái cây giàu chất xơ hòa tan (prebiotic, thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn) như chuối, các loại quả mọng như dâu tây (chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp phòng bệnh), các loại rau lá sẫm màu như cải bó xôi (nghiên cứu cho thấy những người ăn rau lá màu xanh đậm hằng ngày có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn), chất béo kháng viêm lành mạnh như hạt chia hoặc óc chó và cuối cùng là một ít gừng tươi (để hỗ trợ tiêu hóa và giúp giảm viêm).

Hạn chế uống rượu

Uống nhiều rượu tổn hại sức khỏe đường ruột nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung. Rượu gây viêm niêm mạc dạ dày, có thể dẫn đến trào ngược axít và ợ chua, làm gián đoạn quá trình sản xuất hệ khuẩn đường ruột khỏe mạnh. Rượu còn gây mất nước, nên dễ gây táo bón và có thể làm chậm quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể. Thói quen say xỉn về lâu dài cũng có thể gây ra bệnh tim, tổn thương gan, dẫn đến một số bệnh ung thư và gây tổn thương não. Tốt nhất là hạn chế uống rượu với mức khuyến nghị là không quá 1 ly/ngày đối với nữ và không quá 2 ly/ngày đối với nam.

Uống nước trước khi dùng thức uống chứa caffeine (như trà, cà phê)

Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị táo bón và nhu động ruột chậm lại, nghĩa là vấn đề bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể là đặc biệt quan trọng. Mặc dù các nhà nghiên cứu không khẳng định rằng caffeine nhất thiết sẽ gây mất nước, nhưng nó vẫn có thể có tác dụng lợi tiểu nhẹ. Do đó, nhớ uống từ 1-2 ly nước trước khi uống cà phê hoặc trà để bảo đảm cơ thể đủ nước và hỗ trợ sức khỏe đường ruột.

Theo Eatthis.com

comment Bình luận

largeer