Những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV, ai cũng cần biết

HPV (Human Papillomavirus) là nhóm virus phổ biến có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư cổ tử cung, hậu môn, dương vật, hầu họng và mụn cóc sinh dục. Dưới đây là các yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm HPV mà mọi người, nhất là giới trẻ, cần đặc biệt lưu ý:
09/07/2025 13:40

 1. Tình dục không an toàn và quan hệ sớm: HPV chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc da với da, đặc biệt khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng. Quan hệ tình dục sớm – đặc biệt trước 18 tuổi – làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và các tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung. Nhiều bạn tình hay quan hệ với đối tác có nhiều bạn tình cũng làm tăng đáng kể khả năng nhiễm virus.

2. Hút thuốc lá: Thuốc lá không chỉ gây hại cho phổi, mà còn làm giảm khả năng miễn dịch đối với virus HPV. Nghiên cứu cho thấy nguy cơ nhiễm HPV dai dẳng tăng rõ khi hút nhiều thuốc.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm HPV.

Hút thuốc lá là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ nhiễm HPV.

3. Suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm HIV: Người mắc HIV hoặc đang dùng thuốc ức chế miễn dịch dễ bị nhiễm HPV do hệ miễn dịch suy yếu. Đặc biệt, phụ nữ nhiễm HIV có nguy cơ phát triển ung thư cổ tử cung cao gấp gần 6 lần so với người bình thường

4. Thiếu kiến thức về giới tính và phòng bệnh: Thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản dẫn đến tình dục sớm, không dùng biện pháp bảo vệ như bao cao su, khiến nguy cơ nhiễm virus HPV tăng cao, trong khi nhiễm HPV thường không có triệu chứng rõ rệt

5. Chưa tiêm vaccine HPV: Ở Việt Nam, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, chỉ khoảng 12% phụ nữ 15–29 tuổi và 28% phụ nữ 30–49 tuổi đã tầm soát ung thư cổ tử cung. Vaccine HPV (Gardasil, Gardasil 9) giúp phòng cả các chủng nguy cơ thấp (gây mụn cóc) và nguy cơ cao (gây ung thư), hiệu quả tốt nhất ở độ tuổi 9–14, nhưng vẫn được khuyến khích tiêm đến 45 tuổi.

Các chuyên gia khuyến cáo, để phòng tránh HPV hiệu quả, cần tuân thủ các nguyên tắc: Giảm số bạn tình và chung thủy trong mối quan hệ tình dục; Dùng bao cao su đúng cách trong mọi hình thức quan hệ; Đẩy lùi tuổi quan hệ càng muộn càng tốt để giảm nguy cơ lâu dài; Bỏ thuốc lá và duy trì lối sống lành mạnh giúp tăng cường hệ miễn dịch; Tiêm vaccine HPV đúng lịch: trẻ 9–14 tuổi tiêm 2 mũi, tuổi 15–45 tiêm 3 mũi; Thường xuyên khám phụ khoa, sàng lọc định kỳ ung thư cổ tử cung (Pap, HPV test).

Tiêm vaccine ngừa HPV là biện pháp cần thiết để phòng tránh lây nhiễm virus HPV.

Tiêm vaccine ngừa HPV là biện pháp cần thiết để phòng tránh lây nhiễm virus HPV.

HPV rất phổ biến – thực tế hầu hết mọi người sẽ có ít nhất một lần nhiễm trong đời, nhưng phần lớn tự khỏi. Tuy nhiên, khi nhiễm chủng HPV nguy cơ cao hoặc có yếu tố rủi ro như hút thuốc, HIV, không tiêm vaccine hoặc quan hệ không an toàn thì nguy cơ tiến triển thành bệnh lý nghiêm trọng tăng lên đáng kể. Bằng cách chủ động phòng ngừa – tránh quan hệ sớm, dùng biện pháp an toàn, tiêm vaccine và tầm soát thường xuyên – bạn hoàn toàn có thể bảo vệ bản thân trước virus này.

Nguyên An (tổng hợp)

comment Bình luận