Nhận biết và phòng ngừa viêm mũi dị ứng đúng cách

Viêm mũi dị ứng là bệnh hô hấp phổ biến, xảy ra khi niêm mạc mũi phản ứng quá mức với tác nhân như bụi, phấn hoa, lông động vật hoặc hóa chất. Bệnh gây sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, làm ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày.
08/07/2025 16:26

Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) là tình trạng viêm niêm mạc mũi và xoang xảy ra khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng (dị nguyên) như bụi, phấn hoa hoặc lông động vật. 

Đây là bệnh lý phổ biến toàn cầu, ước tính ảnh hưởng tới khoảng 500 triệu người trên thế giới.

Viêm mũi dị ứng có thể gặp ở cả người lớn và trẻ em, gây triệu chứng như sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, ảnh hưởng đáng kể đến sinh hoạt hàng ngày.

Theo Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO), viêm mũi dị ứng ảnh hưởng tới khoảng 10-30% dân số toàn cầu và làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống, từ giấc ngủ kém, giảm hiệu suất học tập, làm việc, cho đến tăng nguy cơ hen suyễn nếu không được kiểm soát tốt. 

Empty

(Ảnh minh hoạ)

Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với các dị nguyên trong môi trường. Khi các dị nguyên này tiếp xúc với niêm mạc mũi, tai, họng hoặc xoang, chúng kích thích các tế bào miễn dịch giải phóng các hóa chất trung gian như histamin, dẫn đến các triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi, nghẹt mũi và chảy nước mũi.

Các dị nguyên thường gặp gây viêm mũi dị ứng bao gồm: mạt nhà, nấm mốc, phấn hoa, lông thú nuôi, gián, cũng như các chất gây dị ứng trong môi trường sống, trường học hoặc nơi làm việc như bụi gỗ, bột mì, latex,…

Triệu chứng và chẩn đoán

Viêm mũi dị ứng thường gây ra các triệu chứng xuất hiện ngay sau khi hít phải dị nguyên và có thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. 

Những triệu chứng đặc trưng bao gồm hắt hơi liên tục, chảy nước mũi trong suốt, nghẹt mũi và ngứa mũi.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp các biểu hiện khác như ngứa mắt, chảy nước mắt, đau đầu nhẹ, mệt mỏi và giảm khứu giác. Ở trẻ em, viêm mũi dị ứng thường được nhận biết qua việc trẻ hay chà xát mũi, thở bằng miệng và ngáy khi ngủ.

Empty

(Ảnh minh họa)

Phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Để phòng ngừa và kiểm soát viêm mũi dị ứng hiệu quả, việc tạo ra một môi trường sống sạch sẽ, hạn chế tối đa tiếp xúc với dị nguyên là rất quan trọng. 

Nhà cửa cần được vệ sinh thường xuyên, đặc biệt là khu vực ngủ nghỉ như giặt ga gối, chăn màn mỗi tuần. Duy trì độ ẩm thích hợp để hạn chế sự phát triển của nấm mốc và sử dụng máy lọc không khí để giữ không khí trong lành. 

Bên cạnh đó, thay đổi lối sống lành mạnh cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm mức độ nghiêm trọng của các cơn dị ứng. Tập thể dục đều đặn, đặc biệt là các bài tập thở, có thể cải thiện chức năng hô hấp và giảm triệu chứng nghẹt mũi. 

Ngoài ra, chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin C và omega-3 sẽ giúp chống viêm tự nhiên, đồng thời quản lý stress thông qua thiền định, yoga hoặc các hoạt động thư giãn khác cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.

Duy Khương (tổng hợp)

comment Bình luận