Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Nước - Tài nguyên đang cạn kiệt và câu hỏi về quản trị toàn cầu

Ngày 25/4/2025, tọa đàm “La fin de l’eau” (Sự cạn kiệt của nguồn nước) đã diễn ra tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với sự tham gia của GS. Simon Porcher (ĐH Paris Dauphine – PSL) và TS. Nguyễn Thanh Hiền (USTH). Sự kiện đặt vấn đề về tương lai của nước sạch trước biến đổi khí hậu và khai thác quá mức, đồng thời đưa ra các giải pháp quản trị bền vững ở cả cấp địa phương và toàn cầu.
26/04/2025 14:35

Buổi tọa đàm có sự tham dự của nhiều đại biểu và khách mời danh dự đến từ các tổ chức Pháp và Việt Nam. Trong đó có ông Franck Bogiani, Tùy viên Văn hóa của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội; Ông Denis Fourgon, Tùy viên hợp tác đại học; Cùng các đại diện đến từ Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), các giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu trẻ quan tâm đến chủ đề tài nguyên và phát triển bền vững.

la-fin-de-l-eau-1260-x-420-px

Tọa đàm "La fin de l'eau" - Sự cạn kiệt của nguồn nước (Nguồn: L’Institut français du Vietnam)

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nicolas Maineti,Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã chia sẻ: “Chúng ta có mặt ở đây không chỉ để thảo luận về một tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, mà là để nhìn nhận lại cách mà nhân loại đang sống cùng nước – một tài sản chung vốn tưởng như vô tận. La fin de l’eau không chỉ là một cảnh báo, mà còn là lời mời gọi chúng ta hành động”. Ông cũng nhấn mạnh chuỗi hội thảo khoa học do AUF tổ chức là cơ hội để kết nối sinh viên Pháp ngữ tại Việt Nam với tri thức quốc tế thông qua những chủ đề cấp thiết như đại dương, núi lửa và đặc biệt là tài nguyên nước – yếu tố đang ngày càng trở thành tâm điểm trong các cuộc tranh luận toàn cầu.

z6542934154368_abcfe650d98e695d26692ebfe0fdd79a

Ông Nicolas Maineti, Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF - Agence univeristaire de la Francophonie) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

z6542934005225_e43aa41f53279b6a0d7bbc4e88075e5b

Liệu chúng ta đang đi đến sự hồi kết của nước sạch?

Câu hỏi mở đầu đầy tính cảnh báo được đặt ra: Chúng ta đang tiến tới sự cạn kiệt của nguồn nước? Hoặc ít nhất là sự kết thúc của nước sạch dễ tiếp cận và giá rẻ?

Trong nhiều năm, tình trạng thiếu nước vẫn thường được xem là vấn đề của các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, và việc khai thác quá mức đã khiến một nửa dân số thế giới hiện nay phải đối mặt với khan hiếm nước, kể cả tại các cường quốc như Hoa Kỳ hay các nước châu Âu.

z6542934127954_ebc077625dabd1ef33904bbb426913f7

Ông Simon Porcher, Giáo sư đại học chuyên ngành khoa học quản lý tại Đại học Paris-Dauphine - PSL

GS. Simon Porcher đã chỉ ra rằng, nước không chỉ là một thách thức môi trường, mà còn là vấn đề về quản trị, bất bình đẳng, và xung đột xã hội: 

- Nước ngọt là tài nguyên hiếm: Dù Trái Đất có 70% là nước, chỉ khoảng 2,5% là nước ngọt, và trong số đó, chỉ 1% thực sự dễ tiếp cận. Phần còn lại bị “khóa” trong băng hoặc nằm sâu trong lòng đất.

z6542934130979_3416d5bdfc3439fa98a99a7bdaa2b188

Chu trình nước ngọt trên toàn cầu theo Global Commission for the Economics of Water

- Khủng hoảng nước là vấn đề toàn cầu: Không chỉ xảy ra ở các nước nghèo, thiếu nước hiện diện cả ở các cường quốc do nhu cầu tiêu thụ quá lớn, đặc biệt trong công nghiệp và nông nghiệp.

z6542934116633_720676ca1c2a3b05f6fd543d8378ab06

Giáo sư Simon Porcher trình bày về nước ảo (l'eau virtuelle), khái niệm chỉ lượng nước tiêu tốn để sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, từ một lát bánh mì cho đến một chiếc xe hơi

- Nước là nguyên nhân của bất bình đẳng: Hơn 2 tỷ người trên thế giới không có nước sạch để uống. Không chỉ xảy ra giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển, bất bình đẳng còn tồn tại ngay trong lòng đô thị, nơi cư dân khu ổ chuột phải trả giá nước cao hơn người sống ở khu trung tâm, dù chất lượng thấp hơn.

- Nước là nguồn cơn của xung đột: Từ Bolivia đến Mexico, từ Trung Đông đến châu Á, nước không chỉ là nhu cầu sinh tồn, mà còn là tâm điểm của nhiều mâu thuẫn xã hội, kinh tế và chính trị. Những năm gần đây, các cuộc biểu tình về giá nước tại Bolivia, hay căng thẳng quanh sông Niles cho thấy rõ: nước không chỉ là tài nguyên tự nhiên, mà còn là nguồn quyền lực và lợi ích. Khi không có cơ chế chia sẻ công bằng và minh bạch, nước sẽ chuyển từ nhu yếu phẩm thành mồi lửa trong các cuộc đối đầu xã hội và địa chính trị.

- Quản trị là vấn đề cốt lõi: Tài nguyên nước không thể quản lý hiệu quả nếu thiếu sự phối hợp giữa cộng đồng, chính quyền, khu vực tư nhân và giới khoa học. Tư duy "mỗi người mỗi việc" cần được thay thế bằng một chiến lược tổng thể và đồng bộ.

Từ khủng hoảng đến hành động: Những giải pháp cấp thiết

Không chỉ dừng lại ở việc mô tả tình trạng, tọa đàm nhấn mạnh những giải pháp khả thi và đa tầng. Theo GS. Porcher, cần đổi mới mô hình tài chính ngành nước để khuyến khích tiết kiệm, đầu tư vào xử lý và tái sử dụng nước, giảm thất thoát qua hệ thống hạ tầng cũ, đồng thời tích hợp yếu tố sinh thái vào quy hoạch đô thị:

- Cải cách mô hình kinh tế ngành nước sinh hoạt: Thay vì chỉ tính phí theo lượng nước tiêu thụ, mô hình giá nước cần được điều chỉnh để đảm bảo vừa công bằng, vừa khuyến khích tiết kiệm. Điều này giúp cân bằng giữa mục tiêu môi trường và khả năng duy trì tài chính cho các đơn vị cung cấp nước.

- Tiết kiệm nước trong nông nghiệp: Là lĩnh vực sử dụng nhiều nước nhất nhưng lại kém hiệu quả, nông nghiệp cần được cải tổ thông qua công nghệ tưới tiêu thông minh, chuyển đổi cây trồng và cải cách chính sách trợ giá, nhằm giảm thiểu lãng phí và tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu.

- Tái sử dụng nước đã qua xử lý: Thay vì xả ra môi trường, nước thải có thể được xử lý để phục vụ cho các mục đích phi sinh hoạt như tưới tiêu, rửa đường hay làm mát nhà máy. Đây là giải pháp hiệu quả để giảm áp lực lên nguồn nước sạch, đặc biệt tại các thành phố lớn.

- Bảo vệ và đầu tư vào vốn tự nhiên: Hệ sinh thái như rừng, đất ngập nước hay lưu vực sông đóng vai trò quan trọng trong việc giữ nước, lọc nước và điều tiết lũ lụt. Do đó, các chính sách quản lý nước cần gắn chặt với quy hoạch lãnh thổ và bảo tồn môi trường – thay vì chỉ tập trung vào hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, những người tham gia tọa đàm cũng đặt vấn đề về quản trị xuyên biên giới, đặc biệt với các lưu vực sông quốc tế như sông Mê Kông – nơi nguồn nước bị chia sẻ bởi nhiều quốc gia nhưng lại thiếu một cơ chế hợp tác toàn diện. “Cần có đối thoại không chỉ giữa các quốc gia láng giềng, mà cả với các quốc gia đầu nguồn – nơi nắm quyền kiểm soát dòng chảy”, GS. Porcher nhấn mạnh.

z6542933989170_e658a23b25bb8f233a100cabf8de2518
z6542933996914_cd246fa00cb5cfd75dbd587da69f7dda
z6542933980325_b624e28e0fad7923015a1eedc3aabd11

Nước – tài sản chung cần được tái định nghĩa

Khép lại buổi tọa đàm, các diễn giả thống nhất rằng nước cần được nhìn nhận như một tài sản chung toàn cầu – không chỉ là hàng hóa kinh tế hay công cụ chính trị. Việc quản lý nước hiệu quả không thể đến từ một chiều (chính phủ) mà cần sự phối hợp từ chính quyền, cộng đồng, khoa học và khu vực tư nhân.

z6542933835943_d8dc53b695bfde600b23489c8d1f31df

“Chúng ta đủ hiểu biết, đủ giải pháp, nhưng vẫn thiếu một tinh thần hành động chung”, lời kết của GS. Simon Porcher đưa ra như một lời nhắc nhở cấp thiết, giữa một thế giới đang nóng lên và khô cạn dần.

Vân Hà

comment Bình luận