PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam: “Sống, viết và chữa lành”
Đi qua cuộc đời bằng sự tình cờ đẹp đẽ
Sinh ra trong một gia đình khó khăn tại Sài Gòn, mẹ mất khi mới 5 tuổi, tuổi thơ của bác sĩ Nguyễn Hoài Nam trôi qua trong những tháng ngày thiếu thốn nhưng đầy nghị lực. Cha ông vẫn từng ngày gồng gánh nuôi ông ăn học và từng khuyên con nên thi ngành xây dựng vì học ít năm và dễ kiếm sống. Thế nhưng, chính một người bạn thân cùng lớp đã lặng lẽ làm hồ sơ và đưa ông đến dự thi ngành Y trước khi sang Canada định cư. Đó là lần đầu tiên ông thực sự nghĩ đến nghề bác sĩ, và cũng là khoảnh khắc định mệnh khiến cuộc đời ông rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. HCM, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam được giữ lại trường làm giảng viên. Gần hai thập kỷ, ông gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy trước khi chuyển sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định - trung tâm thực tập y khoa lớn trước năm 1975. Sau đó, ông về công tác tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, nơi ông lần lượt đảm nhiệm các vị trí Trưởng khoa, Trưởng phân môn và Phó Chủ nhiệm Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch.
Dù đã chính thức nghỉ hưu, bác sĩ Nam vẫn tiếp tục được mời giảng dạy, điều trị và nghiên cứu thêm suốt 7 năm nữa. Giữa giảng đường, phòng mổ, hội đồng khoa học và cả bàn viết, ông đi qua mọi vị trí ấy một cách tự nhiên, không chút toan tính, như thể đó vốn dĩ là con đường mà ông được sinh ra để bước tới. “Từ bé chưa tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm bác sĩ, cũng không mơ làm nhà giáo, nhà văn hay là doanh nhân. Ấy vậy mà những nghề ấy lại đến với tôi nhẹ nhàng như gió thoảng mây bay”, bác sĩ Nam chia sẻ.

PGS.TS.BS. Nguyễn Hoài Nam - người sáng lập và đứng đầu Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (Ảnh: BVQT Minh Anh)
Những năm tháng ở Paris - hành trang vượt khỏi chuyên môn
Năm 1993, khi Bộ môn Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch được thành lập, bác sĩ Nam bất ngờ được nhà trường điều chuyển sang giảng dạy chuyên ngành này. Ông gọi đó là một ngã rẽ không chủ đích, giống như hầu hết những lựa chọn trước đó trong đời.
Cũng trong năm ấy, ông được cử sang Pháp tu nghiệp. Thời điểm đó, việc ra nước ngoài học tập vẫn là điều hiếm hoi, đặc biệt, với một bác sĩ trẻ đến từ Việt Nam. Hai năm sống và học tập tại Paris đã trở thành bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của ông. Tại đây, ông được đào tạo bài bản dưới sự hướng dẫn của các giáo sư hàng đầu như Pierre Desoutter, Michel Cormier, tại những bệnh viện danh tiếng như Saint Joseph, La Défense.
Điều may mắn hơn cả là vợ ông cũng là bác sĩ, được tạo điều kiện theo học tại Bệnh viện Hôtel Dieu cùng giáo sư Pouliquen mà không phải đóng bất kỳ học phí nào. Đó là đặc ân mà cho đến hôm nay, ông vẫn nhắc đến với lòng biết ơn sâu sắc.
Những năm tháng sống, học tập và làm việc tại Paris khiến ông tự tin hơn, nhanh nhẹn hơn và sống có tình nghĩa hơn. “Thời gian tu nghiệp tại Pháp là thời gian tôi được trải nghiệm rất nhiều về chuyên môn, cách sống giúp cho tôi có được cái nhìn biết ơn và cho tôi thêm nhiều nhựa sống trên cõi đời này”, bác sĩ Nam chia sẻ. Những chiêm nghiệm đó, sau này đã trở thành chất liệu sống động trong cuốn hồi ức “Những ngày ở Paris” - nơi ông không chỉ kể về y khoa, mà còn về con người, sự tử tế và tình thầy trò.

“Những ngày ở Paris” - cuốn hồi ức, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam viết về quãng thời gian tu nghiệp Pháp
Kí ức còn lại sau ánh đèn phòng mổ
Hơn 40 năm cầm dao mổ, điều ám ảnh bác sĩ Nam nhất không phải những ca thành công mà là những ca ông không thể cứu được, dù đã dốc hết tâm huyết.
Ông vẫn day dứt về ca cấp cứu con trai người bác họ - một nhà thơ nổi tiếng, bị xuất huyết tiêu hóa do xơ gan. Dù đã truyền hơn 20 đơn vị máu và làm mọi cách, ông vẫn bất lực. “Tôi ôm anh ấy khi anh nói: ‘Nam ơi cứu anh’. Đó là ánh mắt tôi không bao giờ quên”, ông kể.

Hơn 40 năm làm nghề, ông không chỉ chữa lành thể xác, mà còn gieo mầm hy vọng qua từng trang viết
Với ông, những ký ức ấy không chỉ là vết thương âm thầm, mà còn nhắc nhở về giới hạn và lòng trắc ẩn của nghề y.
Bước chân vào vùng chuyên môn chưa ai đi tới
Khi nhắc đến mạch máu, người ta thường nghĩ đến các ca phẫu thuật động mạch lớn, đầy nguy hiểm và thách thức. Thế nhưng, bác sĩ Nam lại chọn đi sâu vào bệnh lý tĩnh mạch, một lĩnh vực gần như bị bỏ trống ở Việt Nam thời đó.
Trước khi sang Pháp tu nghiệp, ông đã là phẫu thuật viên mạch máu với kinh nghiệm xử lý động mạch chủ bụng, động mạch đùi, động mạch chày… Tại Paris, dưới sự dẫn dắt của giáo sư Pierre Desoutter, ông được đào tạo bài bản về bệnh tĩnh mạch và làm chủ gần như toàn diện phương pháp chẩn đoán, điều trị trước khi trở về nước.
Sau này, ông đặt nền móng cho Hội Tĩnh mạch học TP. HCM, đưa lĩnh vực tưởng chừng âm thầm này trở nên có tiếng nói trong chuyên ngành. Và theo ông, truyền thông y học chính là chìa khóa để những kiến thức ấy lan tỏa đến cộng đồng, điều mà trước đây chưa ai chú trọng.

Ông luôn dành tâm huyết khám chữa bệnh cho cộng đồng và đặc biệt quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh: BVQT Minh Anh)
Viết như một cách được sống trọn vẹn
Khác với nhiều người nuôi mộng văn chương từ bé, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam đến với viết lách hoàn toàn tình cờ. Thuở nhỏ, ông học giỏi toán, còn văn chỉ ở mức trung bình. Vậy mà theo năm tháng, viết lách lặng lẽ tìm đến ông, tự nhiên và dịu dàng như những dòng kênh quê hương Nam Bộ.
Ông từng tự hỏi: “Tôi cũng không hiểu tại sao mình lại viết. Càng không hiểu sao mình lại trở thành nhà văn, mà là nhà văn có bảo chứng hẳn hoi”. Với ông, viết không phải để trở thành ai, mà là để được sống. Viết giữ lại từng rung động trong nghề, từ khoảnh khắc giảng bài, ánh mắt bệnh nhân, đến những ca mổ căng thẳng. Mọi thứ ùa về, dồn thành con chữ, đều đặn, bền bỉ như nhịp sống ông vẫn giữ.
“Viết đối với tôi là nhu cầu cấp thiết, giống như cầm dao mổ hay đứng trên bục giảng”, ông nói. Và có lẽ, với ông, viết cũng là một cách khác để chữa lành.
“Tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm...”
Nhìn lại chặng đường đời, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam luôn giữ niềm tin sâu sắc vào thế hệ sau. Ông chưa bao giờ hoài nghi sức mạnh của tuổi trẻ, một loại sức mạnh của đam mê và lòng dấn thân.
“Tuổi trẻ trôi qua nhanh lắm. Hãy sống đam mê, hãy chiến đấu, bởi nếu bạn không chiến đấu cho những gì mình muốn thì đừng khóc khi mất nó”. Với ông, đó không chỉ là lời nhắn gửi mà còn là trải nghiệm từ một đứa trẻ từng mồ côi mẹ vì bom đạn, lớn lên giữa thiếu thốn và bất an. Những ngày tháng ấy đã rèn cho ông một nội lực: không cay đắng, mà đầy bao dung và nhân ái.
Ông tin, các bác sĩ trẻ hôm nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng nhiều áp lực. Song, sự nhanh nhẹn, nhạy bén và quyết liệt sẽ giúp họ tạo nên thay đổi cho ngành Y.
“Chiến đấu”, như ông gọi, không phải để thắng ai, mà là hành trình giữ mình tử tế, sống đúng với điều mình tin và không phải hối tiếc. Và sau tất cả, ông chọn yêu thương làm thông điệp cuối cùng. Ở đó, một tình yêu không ồn ào nhưng đậm sâu, hiện diện trong từng việc ông làm, từng trang sách ông viết, và trong ánh mắt người thầy thuốc vẫn đầy trăn trở với cuộc đời.
Sống là để viết và chữa lành
Ở tuổi mà nhiều người đã dừng lại nghỉ ngơi, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam vẫn chọn đi tiếp, không vì áp lực, mà bởi trong ông luôn cháy lên khát vọng viết và chữa bệnh.
Hơn 40 năm gắn bó với y học, từ giảng đường đến phòng mổ, nghiên cứu đến thực hành, ông đã đi qua gần như mọi vai trò. Nhưng điều ông khao khát nhất vẫn là được chữa lành ở cả thể xác lẫn tâm hồn. Được cứu giúp những người bệnh nghèo, những mảnh đời từng giống ông thuở nhỏ: mồ côi, thiếu thốn nhưng khát khao sống mãnh liệt.

Ông thường xuyên tham gia khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo như một cách tri ân và lan tỏa yêu thương (Ảnh: BVQT Minh Anh)
“Nghèo khó và mồ côi không phải là tội lỗi, lại càng không phải là cản trở trên con đường sống”, ông nói. Và bằng bút, bằng dao mổ, cùng một trái tim không bao giờ mỏi mệt, bác sĩ Nam vẫn đang tiếp tục hành trình ấy - sống, viết và chữa lành.
Minh Châu (Ảnh: NVCC)

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am -
Đau họng, ợ hơi, tức ngực: Người đàn ông ngỡ ngàng phát hiện ung thư đại tràng sớm qua nội soi
Người đàn ông 37 tuổi khỏe mạnh bàng hoàng phát hiện có tổn thương nguy cơ ung thư nhờ công nghệ nội soi hiện đại tại Bệnh viện Thu Cúc. Câu chuyện của anh là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều người trẻ còn đang chủ quan, thờ ơ với sức khỏe tiêu hóa.July 2 at 10:13 am -
Lấy lại nụ cười tự tin với dịch vụ bọc răng sứ tại TCI
Hàng nghìn khách hàng đã tìm lại nụ cười tự tin nhờ dịch vụ bọc răng sứ tại Khoa Răng Hàm Mặt bệnh viện Đa khoa Quốc tế (ĐKQT) Thu Cúc TCI.July 1 at 12:01 pm -
Chấm dứt ợ hơi, ợ chua, mất ngủ nhờ phương pháp đo áp lực thực quản HRM hiện đại
Từng khổ sở với ợ hơi, ợ chua, nuốt vướng và mất ngủ triền miên, chị H.T.B.L (38 tuổi) đã tìm lại giấc ngủ ngon và sức khỏe chỉ sau thời gian ngắn điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc nhờ kỹ thuật đo áp lực và nhu động thực quản độ phân giải cao HRM.July 1 at 12:00 pm