Phát huy nội lực phát triển sản xuất dược liệu vì sức khoẻ cộng đồng

Việt Nam có nguồn tài nguyên đa dạng cây thuốc thực sự là lớn lao. Theo nghiên cứu điều tra đánh giá của các nhà khoa học hiện tại Việt Nam đã xác định được 5.117 loài thực vật dùng làm thuốc trong số 11.000 loài thực vật bậc cao có mạch đã biết
16/12/2022 09:00

Tiềm năng đất đai, khí hậu là điều kiện để phát triển xây dựng vùng trồng cây thuốc mới

Miền núi nước ta chiếm 3/4 đất tự nhiên của cả nước, có tiềm năng to lớn về tài nguyên đất, rừng, sinh vật, thuỷ năng, khoáng sản, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây làm thuốc... Miền núi còn là nơi thuận lợi cho phát triển cây thuốc tự nhiên và trồng trọt dược liệu. Với địa thế cao, khí hậu mát mẻ, diện tích rừng được bảo tồn đáng kể và đang được khôi phục, miền núi đã và đang đóng vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái phát triển dược liệu của cả nước.

Nhiều dự án, chương trình được đầu tư nghiên cứu phát triển nhằm đổi mới cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hàng hoá cho vùng cao. Nhiều nhà khoa học, Viện nghiên cứu đã tập trung trí tuệ và sức lực nhằm phát triển kinh tế tại đây.

Vùng núi cao như: Sapa, Bắc Hà - Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu, Bắc Cạn, Mộc Châu - Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum, Đắc Lăk, Đắc Nông, Lâm đồng... trong nhiều năm qua đã di thực thành công nhiều loài cây thuốc nhập nội, cây thuốc bản địa, xây dựng các mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả, có khả năng mở rộng sản xuất sản phẩm hàng hoá. Một số vùng nêu trên đã được thiết lập và được coi như các vùng có truyền thống sản xuất dược liệu và giống cây thuốc. Nhiều loài cây thuốc gieo trồng phát triển tại đây đã và đang cung cấp các loại giống và dược liệu khắp cả nước.

Việc sử dụng dược liệu và thuốc từ dược liệu ngày càng phát triển tăng cao. Theo số liệu của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), tổng giá trị sử dụng tại Việt Nam khoảng 5,14 tỷ USD/2018, trong đó chế phẩm từ vị thuốc (thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu) khoảng 440 triệu USD (chế phẩm từ dược liệu khoảng 330 triệu USD và vị thuốc khoảng 110 triệu USD). Tổng giá trị nguyên liệu, dược liệu sản xuất thuốc 200 triệu USD (tương đương 50.000-60.000 tấn dược liệu/năm).

c4

(Ảnh minh họa)

Phát triển sản xuất dược liệu tạo nguồn thuốc cổ truyền và TPCN chứa thảo dược trong nước là hết sức cần thiết và có ý nghĩa phát triển kinh tế - xã hội

Sau một thời gian dài sử dụng hoá dược, nhiều phản ứng phụ để lại cho con người những di chứng đáng lo ngại, chính vì vậy việc sử dụng thuốc có nguồn gốc từ dược thảo là một trong những xu hướng chính trong việc phòng trừ và điều trị bệnh tật hiện nay.

Thuốc chữa bệnh cho nhân dân luôn là yêu cầu bức thiết, phần lớn từ hoá dược, kháng sinh và dược liệu. Các dược chất chiết tách ra từ cây thuốc, thảo dược luôn đóng vai trò quan trọng trong sản xuất thuốc cổ truyền chữa bệnh và sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Đảng và Nhà nước ta đã khảng định về việc khai thác và phát triển cây làm thuốc, động vật làm thuốc: "…Dược liệu ở nước ta rất nhiều, gồm các loài cây làm thuốc và một số động vật làm thuốc, có nhiều loài quý hiếm ở trên thế giới. Dược liệu ở nước ta chẳng những là cơ sở của nền Y học dân tộc mà còn có một vị trí quan trọng trong nền Y học hiện đại; Chẳng những là nguồn tự cung tự cấp về những loại thuốc Nam thuốc Bắc và thuốc Tây mà còn là loại hàng xuất khẩu có giá trị, có khả năng đem lại nhiều ngoại tệ cho nước nhà" (Chỉ thị 210-TTg/VG ngày 6/12/1966 của Chính phủ)…". Qua nhiều năm nghiên cứu thực nghiệm, ta có thể khẳng định: “Dược liệu nước ta chữa được nhiều loại bệnh, kể cả một số bệnh hiện nay trên thế giới vẫn coi là khó khăn" (Thông tư 37-BYT/TT ngày 17/10/1967 của Bộ Y Tế); Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30 thánh 10 năm 2013 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những mục tiêu chủ yếu: … Phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới trang thiết bị trong nghiên cứu chọn tạo giống, trồng trọt, chế biến, chiết xuất, chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới”.

Chính vì lẽ đó mà công tác nghiên cứu và phát triển sản xuất dược liệu, thảo dược có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi loài cây thuốc đòi hỏi điều kiện sinh thái khí tượng thủy văn, đất đai phù hợp với từng vùng và tuân thủ các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, dược liệu, chế biến, bảo quản nghiêm ngặt, nhằm đảm bảo về cả khối lượng và chất lượng sản phẩm, nâng tầm giá trị cung cấp tốt nguồn nguyên liệu cho bào chế thuốc cổ truyển, sản phẩm bảo vệ sức khỏe vì lợi ích sức khỏe cộng đồng.

Nghị định 200/CP ngày 21/8/1978 của Hội đồng Chính phủ về việc phát triển dược liệu trong nước đã chỉ rõ "Cây làm thuốc là nguồn nguyên liệu chủ yếu cho công nghiệp dược phẩm, được coi là cây công nghiệp quan trọng. Các chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp đã ban hành đều được áp dụng đối với cây làm thuốc", dược liệu còn là nguồn nguyên liệu xuất khẩu cho giá trị kinh tế cao. Vì thế phát triển trồng cây thuốc gắn liền với công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ bào chế chiết suất tạo được nguyên liệu đủ tiêu chuẩn thương phẩm làm thuốc với các chỉ tiêu chặt chẽ.

Ths. Ngô Quốc Luật

comment Bình luận

largeer