Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn từ văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Tư tưởng đại đoàn kết là một trong những di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc ta. Đại đoàn kết không chỉ là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là đường lối chiến lược của Đảng, là động lực to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước và xây dựng phát triển đất nước.
08/11/2022 12:03

Trong thực tiễn hoạt động và lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhận thức, đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng, quyết định của đại đoàn kết đối với thắng lợi của cách mạng. Di sản mà Người để lại có tới gần 50% số tác phẩm, bài nói, bài viết đề cập đến vấn đề đoàn kết, cụm từ “đoàn kết” và “đại đoàn kết” xuất hiện khoảng 2000 lần, trong đó riêng Bản Di Chúc của Bác (năm 1965 và 1969) cụm từ "đoàn kết" xuất hiện 16 lần.

Đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở đó, để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, Người luôn kêu gọi mọi người dân, nhất là cán bộ, đảng viên  phải luôn trân trọng truyền thống ấy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của dân tộc như giữ gìn "con ngươi trong mắt mình": "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình"(1).

z3861903730698_539d699028c2793713016e8ee8abb3f8

Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)

Theo Người, để đánh bại các thế lực đế quốc, thực dân, giải phóng dân tộc, chỉ có tinh thần yêu nước thôi thì chưa đủ; cách mạng muốn giành thắng lợi thì cần phải tập hợp được tất cả mọi lực lượng có thể với tinh thần “muôn người như một” để xây dựng một khối đại đoàn kết dân tộc bền vững. Người khẳng định: "Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác"(2).

Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược lâu dài của cách mạng, là một tư tưởng cơ bản, nhất quán và xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, là nhân tố bảo đảm thắng lợi của cách mạng. Do vậy, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, có thể và cần thiết phải điều chỉnh chính sách và phương pháp đoàn kết phù hợp, luôn quán triệt quan điểm: đại đoàn kết là vấn đề sống còn của cách mạng. Đoàn kết là nguồn gốc của thành công, là sức mạnh then chốt của thành công. Do vậy, cần phải thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế với tinh thần: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” (3).

Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng không mệt mỏi của mình, Hồ Chí Minh luôn có một ham muốn, ham muốn tột bậc là đất nước độc lập, dân tự do ấm no hạnh phúc. Yêu nước ở Người là phải gắn với yêu thương dân, lo cho dân…Đây là một mục tiêu lớn không chỉ của dân tộc ta mà của tất cả các dân tộc trên thế giới. Muốn thực hiện được mục tiêu đó thì trước hết phải thực hiện mục tiêu đoàn kết dân tộc. Bởi vì cách mạng là sự nghiệp quần chúng, vì quần chúng. Vì vây, vấn đề đại đoàn kết dân tộc phải xuất phát từ đòi hỏi khách quan của cách mạng do quần chúng tiến hành. Đại đoàn kết là một chính sách chứ không thể là một thủ đoạn chính trị.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trước cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến, thì nhiệm vụ tuyên huấn là làm sao cho đồng bào hiểu được mấy điều: Một là đoàn kết, Hai là làm cách mạng đòi độc lập dân tộc. Sau kháng chiến nhiệm vụ của tuyên huấn là để dân hiểu: Một là đoàn kết, Hai là xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ba là đấu tranh thống nhất nước nhà”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định, đề cao vai trò của nhân dân và sức mạnh của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân"(4).  Đại đoàn kết dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các chính đảng, đoàn thể, các dân tộc, tôn giáo, kể cả những người trước đây lầm đường lạc lối nhưng đã biết hối cải, quay về với chính nghĩa của dân tộc. Đoàn kết trong tư tưởng của Người là đoàn kết rộng rãi, mở rộng và tranh thủ tất cả những lực lượng và bộ phận có thể tranh thủ sức mạnh của họ: "Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ. Ai có tài, có sức, có đức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ" (5).  

Quan điểm về đại đoàn kết dân tộc trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Hơn 90 năm thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng, luôn kiên định mục tiêu “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội” vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Empty

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Hà Nội

Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước, có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong toàn xã hội, định hướng tương lai của cả dân tộc. Đại hội đã khẳng định tầm quan trọng của chiến lược đại đoàn kết dân tộc đã, đang và sẽ mãi là động lực quan trọng hàng đầu đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đến thắng lợi cuối cùng, cần tiếp tục được xây dựng, củng cố.

Quan điểm về xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc tại Đại hội XIII vừa mang tính kế thừa, vừa bổ sung, phát triển những quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, thể hiện ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công cách mạng của đại đoàn kết dân tộc.

Đánh giá kết quả 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã khẳng định: “toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật; đất nước phát triển nhanh và bền vững; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa… Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” ­(6).

Đại hội khẳng định: “Đạt được những kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm cao, sự nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, thống nhất cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp uỷ đảng trong việc cụ thể hoá, triển khai thực hiện toàn diện Nghị quyết Đại hội XII”(7). Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong việc thực hiện “mục tiêu kép” khi vừa kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đạt được kết quả đó là “Do phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, sự tham gia đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân”(8). Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra bài học “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” (9).

Trên cơ sở kế thừa quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng đã tiếp tục khẳng định: đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, là chủ trương lớn của Đảng cần tiếp tục được củng cố phát triển trong chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hoá, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất” (10).

Hai là, tiếp tục khẳng định đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của cách mạng, của dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ mục tiêu của cách mạng Việt Nam là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa” (11). Mục tiêu đó cũng chính là đích đến của chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân, sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng, của dân tộc với mục tiêu của khối đại đoàn kết đã cho thấy, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước luôn đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng nhân dân, luôn tin tưởng vào sức mạnh của quần chúng; đồng thời cũng phản ánh sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng.

Empty

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà tặng cho các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng tại Văn phòng Trung ương Đảng nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 -27/7/2022)

Ba là, tiếp tục khẳng định đại đoàn kết dân tộc bao gồm toàn thể dân tộc, đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết toàn dân.

Quan điểm của Đại hội XIII thể hiện rõ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay được cấu thành bởi mọi người dân Việt Nam trong tất cả các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, tầng lớp, bộ phận xã hội khác nhau. “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…” (12).

Đại hội XIII khẳng định tầm quan trọng không thể thay thế của tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội nhưng không xác định vai trò “nền tảng” của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đối với bất kỳ giai cấp, tầng lớp nào. Điều đó không làm giảm đi sự vững chắc, sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ảnh hưởng đến định hướng, mục tiêu của việc xây dựng khối đại đoàn kết, mà ngược lại còn làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng thêm bền chắc, không ngừng mở rộng và phát huy được tối đa sức mạnh.

Đồng thời Đại hội đưa ra các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc: Đối với giai cấp công nhân, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Đối với giai cấp nông dân, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi; Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ; Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Động viên cựu chiến binh, công an hưu trí phát huy bản chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ và Công an nhân dân Việt Nam cách mạng trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống; Phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình; Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống "tốt đời đẹp đạo", đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội. Đổi mới tổ chức bộ máy, nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, tăng cường đối ngoại nhân dân. Xây dựng thế trận lòng dân, phát huy sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của nhân dân trong và ngoài nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kỷ niệm ngày Truyền thống mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân 18/11/2022, việc tiếp tục vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng càng trở nên cần thiết. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây chính là cơ sở để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta không ngừng được tăng cường, củng cố, trở thành cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vươn lên phát triển mạnh mẽ, hoàn thành những mục tiêu mà Đảng ta đã xác định trên con đường phát triển tiếp theo của cách mạng nước ta.

Thạc sỹ Vũ Văn Chương – Đại học Hải Phòng

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật,H, 2011,t.5, tr.611.

(2) Hồ Chí Minh:Sđđ,t.9,tr.244.

(3) Hồ Chí Minh: Sđd,t.10, tr.120.

(4) Hồ Chí Minh: Sđd,t.10, tr.453.

(5) Hồ Chí Minh: Sđd,t.9, tr.244.

(6) (7) (8) (9) (10) (11) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

comment Bình luận

largeer