Phát triển kinh tế tuần hoàn, xu hướng tất yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Ngày 22/7, tại Hà Nội, Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường (thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Mô hình Kinh tế tuần hoàn: Hiệu quả cho Doanh nghiệp và Môi trường”. Sự kiện thu hút gần 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ ngành, chuyên gia môi trường, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp OCOP, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành hàng và cơ quan báo chí truyền thông.
23/07/2025 18:47

Hội thảo có sự tham dự và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia đầu ngành như TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường; PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường; PGS.TS. Phạm Văn Lợi – Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường Biển và Hải đảo; cùng đại diện các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp tiêu biểu và giới học thuật.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu khai mạc, TS. Đào Xuân Hưng nhấn mạnh tầm quan trọng của mô hình kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong tiến trình phát triển xanh và bền vững tại Việt Nam. Ông khẳng định, kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược về môi trường mà còn là một phương thức kinh doanh thông minh giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.

TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội thảo

TS. Đào Xuân Hưng – Tổng Biên tập Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu cùng thống nhất rằng kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế phát triển tất yếu trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Theo TS. Đào Xuân Hưng, mỗi ngày Việt Nam phát sinh khoảng 70.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt, phần lớn vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp – gây lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Nếu áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, lượng rác này có thể trở thành nguồn nguyên liệu quý giá.

Ông cũng đánh giá cao các chính sách gần đây của Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong việc thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn, như cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tín dụng xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tiêu chuẩn ESG.

Hội thảo ghi nhận hàng loạt tham luận chuyên sâu đến từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân. Các tham luận tập trung vào các nội dung như tín dụng xanh, vai trò truyền thông, và bài học từ Nhật Bản trong triển khai Kinh tế tuần hoàn ở doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong phần thảo luận, nhiều đại biểu đặt câu hỏi và góp ý xoay quanh cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách ưu đãi cho dự án xanh, trách nhiệm phân loại rác tại nguồn, và vai trò giám sát xã hội. Hội thảo ghi nhận sự tương tác tích cực từ doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và sinh viên, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến kinh tế tuần hoàn.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Các đại biểu tham dự hội thảo

Thông điệp chung được đưa ra là: Kinh tế tuần hoàn không thể triển khai hiệu quả nếu chỉ một phía nỗ lực. Cần sự phối hợp đồng bộ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội dân sự – ba trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển.

Phát biểu kết luận, PGS.TS. Phạm Văn Lợi đánh giá cao chất lượng các tham luận và thảo luận. Ông cho rằng, hội thảo lần này không chỉ cung cấp kiến thức lý luận mà còn đem lại nhiều bài học thực tiễn và kinh nghiệm hữu ích từ các mô hình hiện có.

Theo ông, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã đưa kinh tế tuần hoàn vào khuôn khổ pháp lý nhưng để triển khai hiệu quả, Việt Nam cần giải quyết một số “nút thắt”: phân loại rác tại nguồn chưa đồng bộ, công nghệ xử lý chưa tiên tiến, doanh nghiệp thiếu vốn đầu tư ban đầu và thủ tục tiếp cận chính sách còn phức tạp.

Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, nếu nhìn nhận kinh tế tuần hoàn là cơ hội thay vì gánh nặng, doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong chuyển đổi mô hình sản xuất – không chỉ vì môi trường mà còn vì chính lợi ích dài hạn về kinh tế, thương hiệu và phát triển bền vững.

Thanh Tùng

comment Bình luận