Thứ Ba, 3/12/2019 02:20
RSS
Hotline: 0913019054

Bỉ: Phát hiện loài ong mới 'di cư' đến nước này do biến đổi khí hậu

Loài ong thợ mộc Panard (xylocope panard) - là loài có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và Đông Âu vừa được ghi nhận đã thiết lập quần thể tại Bỉ do biến đổi khí hậu.
19/04/2025 17:22

Sự kiện này không chỉ làm phong phú thêm hệ côn trùng của quốc gia Tây Âu, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tác động sâu rộng của biến đổi khí hậu đối với hệ sinh thái.

Tổ chức bảo tồn thiên nhiên Natagora mới đây đã công bố một thông tin gây chú ý trong giới khoa học và những người yêu thiên nhiên: Ong thợ mộc Panard, loài ong lớn màu đen óng ánh đặc trưng, đã chính thức xuất hiện tại Bỉ. Lần đầu tiên được ghi nhận vào đầu tháng này, sự xuất hiện của loài ong ưa khí hậu ấm áp được cho là tác động trực tiếp của tình trạng ấm lên toàn cầu, tạo điều kiện cho chúng mở rộng "lãnh thổ" về phía Bắc.

z6519467493886_b26c4097f53880716e033736d3ee186e

Ong thợ mộc Panard (Ảnh: Tin tức)

Theo Natagora, cá thể ong đực đầu tiên được nhà tự nhiên học Eric Walravens phát hiện tình cờ tại nhà riêng ở Hamois vào ngày 5/4. Chỉ 6 ngày sau, một nhóm nhà côn trùng học của Natagora đã tìm thấy thêm 5 cá thể ong đực ở vùng Gaume, phía Nam Wallonie. Những phát hiện này đã củng cố nhận định rằng loài ong phương Nam đã thiết lập thành công một quần thể nhỏ tại khu vực này của Bỉ.Ong thợ mộc Panard vốn là loài bản địa của khu vực Địa Trung Hải và Đông Âu.

Trong những năm gần đây, loài ong này dần "tiến quân" lên phương Bắc với các cột mốc đáng chú ý như xuất hiện ở miền Đông nước Đức năm 2005, vùng Alsace của Pháp năm 2011 và Luxembourg năm 2024. Các nhà khoa học của Natagora dự đoán, với xu hướng nóng lên toàn cầu, loài ong này có thể sẽ tiếp tục hành trình "Bắc tiến" và mở rộng phạm vi phân bố.

Với kích thước ấn tượng, từ 2 - 3cm, ong thợ mộc Panard dễ dàng được nhận diện nhờ màu đen tuyền cùng ánh kim xanh lam đặc trưng. Về ngoại hình, chúng có nhiều điểm tương đồng với loài ong thợ mộc tím bản địa. Tuy nhiên, điểm khác biệt rõ rệt ở ong đực Panard là cặp râu thẳng màu đen, trong khi ong đực loài tím sở hữu cặp râu hơi cong màu vàng cam. Việc phân biệt ong cái của hai loài này đòi hỏi quan sát kỹ lưỡng dưới kính lúp chuyên dụng.

Giống như ong thợ mộc tím, ong thợ mộc Panard có tập tính làm tổ độc đáo bằng cách  khoét lỗ trong thân gỗ mục. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là ong thợ mộc.

Theo Natagora, sự xuất hiện của loài ong mới này được cho là sẽ không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nào đến các loài ong hoang dã bản địa tại Bỉ. Nhà côn trùng học Thibaud Vandaudenard giải thích rằng ong thợ mộc Panard có "tổ sinh thái" riêng biệt, chủ yếu thụ phấn cho các loài thực vật khác với những loài mà ong bản địa thường tìm đến. "Do đó, không có nguy cơ xảy ra cạnh tranh nguồn tài nguyên giữa các loài ong", ông nói.

Việc ong thợ mộc Panard "di cư" đến Bỉ không chỉ là một phát hiện thú vị trong lĩnh vực sinh học, mà còn là một lời nhắc nhở về những thay đổi không ngừng trong thế giới tự nhiên dưới tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Tin tức

comment Bình luận