Phẫu thuật thành công cho người đàn ông mắc 2 ung thư hàng đầu cùng lúc

Sau khi thấy cơ thể bỗng dưng bị sụt cân, đi ngoài ra máu, ông M. đã đến bệnh viện để kiểm tra thì được phát hiện mắc cùng lúc ung thư dạ dày và ung thư đại tràng.
02/11/2020 16:43

Mới đây,BS Nguyễn Tô Hoài, Khoa Phẫu thuật Ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khoa vừa phẫu thuật thành công trường hợp mắc cùng lúc 2 ung thư khá hiếm gặp.

Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn M., 58 tuổi ở Thái Bình. Vài tháng gần đây, ông M. liên tục bị sụt cân 2-3 kg/tháng kèm đi ngoài ra máu, thỉnh thoảng đau bụng.

Khi nội soi tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bác sĩ phát hiện dạ dày có một ổ loét kích thước 2x3 cm đáy sâu có lẫn cục máu đông.

Xuống phần trực tràng cách hậu môn 12 cm có khối u sần nham nhở, kích thước lớn bịt kín lòng đại tràng, không thể đưa ống nội soi qua.

Kết quả thăm khám và giải phẫu kết luận, bệnh nhân mắc cùng lúc ung thư dạ dày và ung thư trực tràng. Cả hai đều đã ở giai đoạn tiến triển, di căn hạch. Đây là trường hợp rất hiếm gặp trong y văn thế giới.

di-ngoai-ra-mau-nguoi-dan-ong-thai-binh-phat-hien-mac-2-ung-thu-hang-dau

Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi hoàn toàn để lấy u, vét hạch và nối lại các miệng nối 

Theo tác giả Lee JH (2006) và Saito S (2008) cho thấy tần suất gặp đồng thời hai loại ung thư dạ dày và trực tràng khoảng từ 1,3% đến 3,9%.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt u và vét hạch. BS Hoài và ekip lựa chọn phẫu thuật nội soi hoàn toàn cho bệnh nhân. Trong đó cắt dạ dày đầu xa (cắt gần hết dạ dày), vét hạch và cắt toàn bộ mạc treo trực tràng.

Sau cắt bỏ khối u, bác sĩ tiếp tục thực hiện nội soi nối lại các miệng nối trong ổ bụng, chỉ mở bụng tối thiểu 4 cm để lấy bệnh phẩm.

Sau mổ, bệnh nhân hồi phục rất tốt. Sau 3 ngày đã có thể dậy đi lại và uống bằng đường miệng bình thường, sau 8 ngày, bệnh nhân được xuất viện.

Thứ 4 tuần tới, bệnh nhân M. sẽ quay trở lại tại khám, trước khi có chỉ định điều trị hoá chất.

Theo BS Hoài, với những trường hợp như bệnh nhân M., nếu mổ mở truyền thống sẽ phải rạch đường dài khoảng 35-40 cm từ khớp mu tới mũi ức. Bệnh nhân đau đớn nhiều sau phẫu thuật và đối mặt nguy cơ biến chứng thoát vị thành bụng cũng như nhiễm trùng. Khi mổ mở, thời gian hồi phục sau mổ lâu hơn, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

BS Hoài cho biết thêm, hiện một số cơ sở trong nước đã áp dụng nội soi trong điều trị ung thư dạ dày hay trực tràng tuy nhiên khi thực hiện cắt nối vẫn phải mổ mở để nối bằng tay, chưa có đơn vị nào thực hiện nội soi hoàn toàn đồng thời cắt khối u, vét hạch, cắt mạc treo trực tràng sau đó nối lại cũng bằng nội soi.

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày hiện đang xếp thứ 3, sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong. Tỉ lệ tử vong lớn do bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trong khi ở giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể chỉ cần phẫu thuật nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày với chi phí khoảng 1 triệu đồng.

Để phát hiện sớm ung thư dạ dày, bác sĩ khuyến cáo người dân trên 40 tuổi nên nội sinh dạ dày, đại tràng định kỳ hàng năm, với những người có yếu tố nguy cơ như có viêm loét, gia đình có người thân từng mắc ung thư dạ dày, đại tràng cần nội soi sớm hơn và dày hơn.

Ung thư đại trực tràng hiện đang xếp thứ 5 trong số các ung thư phổ biến nhất Việt Nam, đứng sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày và ung thư vú.

Theo dự báo đến 2025, ung thư đại trực tràng sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.

Theo Vietnamnet

comment Bình luận

largeer