Philippines: Đối diện với thách thức trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng

Bên cạnh đại dịch COVID-19, Philippines cũng đang nỗ lực tìm “thuốc giải” cho bệnh thấp còi ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ở quốc gia có nhiều người sợ đói hơn cả COVID-19 như Philippines thì việc cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em là một thách thức không nhỏ.
28/03/2022 16:36

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2021, Philippines có tới 29% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thuộc nhóm 10 quốc gia có số lượng trẻ thấp còi cao nhất thế giới. Trước đó, tại cuộc điều tra dinh dưỡng quốc gia mở rộng năm 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ (DOST) và Viện Nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm Philippines (DOST-FNRI) thực hiện đã cho thấy, cứ 10 trẻ em ở tỉnh Cebu thì có khoảng 3 trẻ bị thấp còi. Thậm chí, ở các khu vực như Mindanao, Mimaropa, Bicol và Western Visayas, mức độ suy dinh dưỡng thấp còi còn ở ngưỡng báo động với hơn 40% trẻ em dưới 5 tuổi. Ông Ndiamé Diop, Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Brunei, Malaysia, Philippines và Thái Lan nhận định, tình trạng thiếu dinh dưỡng là “một vấn đề nghiêm trọng” cản trở sự phát triển kinh tế và con người của Philippines.

53

 Philippines nỗ lực cải thiện tình trạng trẻ thấp còi 

Giới chuyên gia cho rằng, trong số các nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng dẫn đến thấp còi ở Philippines có việc thực hành nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kém. Trẻ ít được tiếp cận với các loại thực phẩm đa dạng, giàu dinh dưỡng, cũng như không đủ điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Trẻ suy dinh dưỡng có xu hướng ốm yếu, học kém hơn, bỏ học nhiều hơn và năng suất kinh tế của chúng khi trưởng thành có thể giảm hơn 10% trong cuộc đời. Ông Nkosinathi Mbuya, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp của WB nhấn mạnh: “Khi chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng xảy ra trong giai đoạn này, có thể dẫn đến tổn hại lớn và phần lớn không thể phục hồi đối với sự tăng trưởng thể chất, phát triển trí não và rộng hơn là hình thành nguồn lực con người tại Philippines”. 

Để cải thiện tình hình, mới đây, DOST đã lên tiếng kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng đến một “đại dịch” thầm lặng đã và đang hoành hành những người dân nghèo của nước này. Theo DOST, Philippines cần ít nhất 6,5 tỉ peso để hỗ trợ 3,64 triệu trẻ em thấp còi từ 6 tháng đến 3 tuổi. Thực tế, các cơ sở sản xuất thực phẩm của DOST-FNRI chỉ có thể hỗ trợ một lượng nhỏ, khoảng 2,04% yêu cầu. Vì thế, Chính phủ đã kêu gọi khẩn cấp sự hỗ trợ của khu vực tư nhân để giúp lấp đầy khoảng trống kinh phí khổng lồ. Tiến sĩ Rowena Cristina Guevara, Thứ trưởng phụ trách nghiên cứu và phát triển DOST nhấn mạnh, “Nhằm giải quyết vấn đề của đất nước với 3,64 triệu trẻ em suy dinh dưỡng, chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng dân sự và khu vực tư nhân”. 

DOST đã xây dựng Chương trình giảm suy dinh dưỡng dựa trên cơ sở khoa học mà bộ này mong muốn khu vực tư nhân có thể áp dụng như một dự án trách nhiệm xã hội hàng đầu của doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ dao động từ 120.000 peso, đủ để nuôi 50 trẻ em trong 120 ngày sử dụng các sản phẩm thực phẩm do DOST-FNRI phát triển và có thể lên đến 25 triệu peso để cung cấp thiết bị cần thiết cho sản xuất thực phẩm dinh dưỡng cao. Ngoài ra, các công ty tư nhân cũng có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp đất đai hoặc các tòa nhà đặt cơ sở sản xuất hay phương tiện đi lại, vận chuyển phân phối các sản phẩm thực phẩm.

Như vậy, tình trạng trẻ thấp còi là một vấn đề đặc biệt cấp bách cần được chú trọng giải quyết ở Philippines. Nước này kỳ vọng với việc khai thác các nguồn lực của chính phủ và huy động tất cả các cấp chính quyền, cũng như khu vực tư nhân cùng hợp tác, có thể sẽ giảm mạnh tình trạng suy dinh dưỡng thể thấp còi trong thời gian tới.  

Theo Báo Văn Hóa

comment Bình luận

largeer