Phòng bệnh viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa là bệnh mãn tính tiến triển từng đợt, gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe người bệnh. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, không phân biệt giới tính nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ.
04/03/2023 13:22

Nguyên nhân gây bệnh

Viêm da cơ địa (VDCĐ) được gây nên bởi 2 nguyên nhân chính, bao gồm: Yếu tố môi trường như: Ô nhiễm môi trường; các dị nguyên có trong bụi nhà, lông súc vật, quần áo, đồ dùng gia đình…; Yếu tố di truyền: bệnh VDCĐ chưa xác định được rõ ràng do gen nào đảm nhiệm nhưng bệnh thường xuất hiện ở những người có tiền sử bản thân hay gia đình mắc các bệnh có yếu tố dị ứng như: hen, viêm mũi xoang dị ứng, sẩn ngứa, dị ứng thuốc, mày đay. Khoảng 60% người lớn bị viêm da cơ địa có con bị bệnh này, nếu cả bố và mẹ cùng bị bệnh thì con đẻ ra có đến 80% cũng bị bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đồng Nai khám, tư vấn cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu Đồng Nai khám, tư vấn cho bệnh nhân bị viêm da cơ địa

Triệu chứng lâm sàng của bệnh VDCĐ

Viêm da cơ địa ở trẻ dưới 12 tháng tuổi: Bệnh phát sớm khoảng 3 tuần sau sinh, thường cấp tính với các đám đỏ da, ngứa, sau đó xuất hiện nhiều mụn nước nông, dễ vỡ, xuất tiết và đóng vảy tiết, có thể bội nhiễm, hạch lân cận sưng to. Vị trí hay gặp nhất là 2 má, có thể ở da đầu, trán, cổ, thân mình, mặt dưới các chi. Khi trẻ biết bò có thể xuất hiện tổn thương ở đầu gối. Trẻ bị VDCĐ có thể dị ứng với một số thức ăn như sữa, hải sản, thịt bò, thịt gà… Khi không ăn các thức ăn gây dị ứng thì bệnh VDCĐ giảm rõ rệt. Bệnh hay tái phát, mạn tính và rất nhạy cảm với các yếu tố như nhiễm trùng, mọc răng, tiêm chủng, thay đổi khí hậu hay môi trường sống. Hầu hết bệnh sẽ tự khỏi khi trẻ được 18-24 tháng.

Viêm da cơ địa ở trẻ em: Thường từ VDCĐ nhũ nhi chuyển sang. Thương tổn là các sẩn đỏ, vết trợt, mụn nước khu trú hay lan toả cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát. Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, hai bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da mạng lưới. Bệnh thường trở nên cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông súc vật, gia cầm, mặc đồ len, dạ… Nếu tổn thương trên 50% diện tích da, trẻ thường bị suy dinh dưỡng. 50% sẽ khỏi khi trẻ được 10 tuổi.

Viêm da cơ địa ở thanh thiếu niên và người lớn: Biểu hiện là mụn nước, sẩn đỏ, có vùng da mỏng trên mảng da dày, ngứa. Vị trí hay gặp ở nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt đối với thanh thiếu niên. Khi bệnh lan toả thì vùng nặng nhất là các nếp gấp. Viêm da lòng bàn tay, chân gặp ở 20 - 80% người bệnh, là dấu hiệu đầu tiên của viêm da cơ địa ở người lớn.

Biến chứng

Khoảng 70% trẻ bị VDCĐ sẽ khỏi khi lớn lên. Còn lại 30% kéo dài dai dẳng. Khoảng 30-50% người bệnh VDCĐ sẽ xuất hiện thêm các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen phế quản.

Nhìn chung VDCĐ không gây ra biến chứng nguy hiểm tới tính mạng người bệnh nhưng nếu không điều trị đúng, kịp thời sẽ khiến bệnh dễ tái đi tái lại, có thể để lại những vết sẹo nghiêm trọng ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tổn thương da về sau.

Các biện pháp phòng bệnh

Để chủ động phòng bệnh VDCĐ, cần tránh tiếp xúc với các tác nhân như lông gia súc, gia cầm, len, dạ, giảm bụi nhà, tránh stress, nên mặc đồ vải cotton. Giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể sạch sẽ. Nếu đã mắc VDCĐ nên tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, nhiệt độ < 36°C, ngay sau khi tắm xong bôi thuốc ẩm da, dưỡng da, nhất là về mùa đông. Nếu dùng xà phòng thì chọn loại ít kích ứng. Vệ sinh sạch sẽ vùng da đóng bỉm, đóng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích. Giữ độ ẩm không khí trong phòng. Hàng ngày nên uống đủ nước và ăn uống dinh dưỡng đủ chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Kiêng loại thức ăn đã được xác định gây VDCĐ ở trẻ.

Khi có các triệu chứng nghi bị VDCĐ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị đúng, kịp thời, tránh tái phát nhiều lần. Không nên tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị sẽ làm cho bệnh nặng hơn, thậm chí biến chứng vì dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Cao Ánh (T/H)

comment Bình luận

largeer