Phòng chống bệnh Dại

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể lây từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh Dại. Cho đến nay, bệnh Dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị mắc bệnh Dại gần như tử vong 100%.
12/04/2024 10:19

Từ đầu năm 2024 đến nay cả nước ghi nhận 22 trường hợp tử vong vì bệnh Dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 (10 trường hợp). Khu vực Tây Nguyên vẫn đang là điểm nóng về bệnh Dại với 2/4 tỉnh có ca tử vong (trong đó Đắk Lắk có 4 ca và Gia Lai có 1 ca). Thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2 ổ dịch chó mắc bệnh Dại tại huyện Sóc Sơn.

Để đảm bảo công tác phòng, chống bệnh Dại có hiệu quả, Công an thành phố Hà Nội đề nghị Công an các đơn vị thực hiện nghiêm túc các nội dung sau:

17 1104

1. Quán triệt cán bộ, chiến sĩ, lao động hợp đồng thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nội dung trong Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại giai đoạn 2022-2030 ban hành kèm theo Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 121/CAHN-PH10, ngày 05/5/2022 của Công an Thành phố về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại trong Công an thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030.

2. Tăng cường công tác truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh Dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh Dại động vật trong đơn vị, cộng đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan bằng các hình thức phù hợp.

3. Để chủ động phòng, chống bệnh Dại, khuyến cáo cán bộ, chiến sĩ, lao động hợp đồng thực hiện nghiêm một số biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Người bị chó, mèo cắn phải đi tiêm vắc xin phòng sớm và đầy đủ các mũi tiêm theo chỉ dẫn của bác sĩ

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần

+ Rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10-15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn Iod hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn.

+ Không chà sát, không nặn máu để tránh tổn thương rộng hơn. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại. Sau đó cần đưa ngay người bị thương đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị càng sớm càng tốt.

+ Khi xử lý vết thương do bị động vật cắn người dân cần chú ý: Không băng kín, không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương; Không chữa bệnh dại bằng Đông y hay thuốc Nam.

+ Đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng Dại kịp thời. Việc khám và điều trị dự phòng dại bằng tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại phải được thực hiện càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ sau khi bị cắn. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh Dại. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh Dại.

Trong vòng 6 tháng sau tiêm vaccine, người dân không sử dụng bất kỳ các loại đồ uống có cồn như rượu, bia... đặc biệt có một số thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình hình thành kháng thể kháng vi rút dại của cơ thể, do đó trong thời gian này khi đi khám chữa bệnh cần báo cho bác sỹ biết việc mình đang tiêm phòng dại.

4. Công an các đơn vị chủ động nắm tình hình, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm trường hợp chủ nuôi chó, mèo không thực hiện quy định về nuôi, quản lý chó, mèo dẫn tới gây hậu quả nghiêm trọng.

Thu Hằng

comment Bình luận

largeer