Phụ nữ cần cẩn trọng với những bất thường ở vú

Có rất nhiều trường hợp phụ nữ sau khi nhận thấy những bất thường ở nhũ hoa nên đã tiến hành làm sinh thiết và cho ra kết quả là bị ung thư vú. Thế nhưng không phải cứ ai có bất thường là bị ung thư.
15/09/2020 20:01
Bất thường ở vú có quá đáng sợ? - Ảnh 1.

 

Bác sĩ đang siêu âm vú cho một bệnh nhân - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Khi phát hiện vú của mình có những có bất thường thì người bệnh thường rất lo lắng, tại sao?

Tôi có bị ung thư vú không?

BS CK II Nguyễn Vũ Mỹ Linh, trưởng khoa nhũ Bệnh viện Hùng Vương, cho biết ngày càng có nhiều người có bất thường ở nhũ hoa đến khám ở khoa nhũ Bệnh viện Hùng Vương. Người bệnh đến bệnh viện khám với nhiều lý do như đau vú, có khối u ở vú, lở loét vú...

Câu hỏi mà các bác sĩ thường gặp nhất là: "Tôi có bị ung thư vú không hả bác sĩ?". Theo BS Mỹ Linh, không phải nhận định bất thường nào ở người bệnh khi đến khám sau đó cũng được chẩn đoán mắc bệnh mà đôi khi đó chỉ là sự lo lắng quá của người bệnh.

Nhiều phụ nữ ở tuổi 40-55 đến khám với triệu chứng đau hai vú. Tuy nhiên, sau khi bác sĩ khám, siêu âm, chụp nhũ ảnh để kiểm soát ung thư vú thì bác sĩ không thấy có vấn đề gì nghi ngờ mà chỉ là đau vú do rối loạn nội tiết thời kỳ tiền mãn kinh. Ngay cả những phụ nữ phát hiện khối u ở vú nhưng kết quả sinh thiết cũng chỉ là khối u lành tính. 

Có cả những phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng gì nhưng sau khi nghe thông tin một người bạn ở cơ quan mắc bệnh ung thư vú, họ bỗng nhiên thấy đau ở ngực, lo lắng đi khám bệnh. Tuy nhiên, lúc khám bác sĩ không phát hiện được một bất thường nào mà triệu chứng "bỗng nhiên thấy đau ngực" chỉ là do người phụ nữ này lo lắng quá. 

Gặp những trường hợp này, bác sĩ sẽ tư vấn giúp người bệnh bớt lo lắng, cảm thấy yên tâm hơn.

Có những bà mẹ đang nuôi con nhỏ đến Bệnh viện Hùng Vương khám với triệu chứng ngực căng cứng một hoặc hai bên, gây đau. Bác sĩ cho biết họ chỉ bị tắc sữa, sau đó dẫn đến viêm vú, ápxe vú vì cho con bú không đúng cách.

Cũng không ít bà mẹ đến bệnh viện vì nứt nẻ đầu vú, thậm chí chảy máu. Các bà mẹ đến khám cũng với lo lắng không biết mình bị mắc bệnh gì. BS Mỹ Linh cho biết những trường hợp này là do các bà mẹ cho trẻ ngậm bắt vú không đúng cách, làm núm bị nứt tạo cơ hội cho vi trùng chui vào gây viêm vú... 

Những trường hợp này đã được bác sĩ hướng dẫn cách cho bú đúng cách và cho thuốc thoa, làm liền những vết nứt nẻ để không ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Tại sao bên to bên nhỏ?

Có những bạn gái trẻ trong độ tuổi dậy thì 12-15 tuổi, được mẹ đưa đến khám chỉ vì vào một ngày đẹp trời bạn trẻ này phát hiện ra một điều bất thường "hai bầu ngực của mình bên to, bên nhỏ". Các bạn gái trẻ đã rất hoang mang trước phát hiện bất thường này. Tuy nhiên, khi khám xong, bác sĩ đã khẳng định đây là điều bình thường, đưa ra một số ví dụ về hai con mắt, hai bàn tay, hai bàn chân, nếu nhìn thật kỹ đều không bằng nhau.

Không ít bạn gái trẻ khác lại đến bệnh viện khám với thắc mắc: "Sao kích thước ngực của con lại nhỏ hơn nhiều bạn cùng lứa tuổi? Con có bệnh gì không bác sĩ?". Một số bạn kể lại khi thấy bầu ngực nhỏ đã từng mua những loại thuốc trên mạng quảng cáo uống vào sẽ nở ngực đẹp hơn. Lúc đầu khi uống thuốc nở ngực thấy ngực căng lên, cảm giác ngực to hơn. Tuy nhiên, sau 2-3 tháng uống thuốc này, người sử dụng thuốc có hiện tượng bị rối loạn kinh nguyệt. 

BS Mỹ Linh cho biết những loại thuốc này có chứa nội tiết tố nữ, khi uống vào sẽ làm tăng tính thấm mạch máu, tích nước nhiều trong vú và người uống cảm thấy ngực to hơn. Thế nhưng khi uống vào sẽ gặp những tác dụng phụ của thuốc nội tiết như mất kinh, rong kinh, tăng cân, sạm da... Đáng kể hơn là tự ý sử dụng thuốc nội tiết lâu dài không đúng dễ có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung.

BS Mỹ Linh khẳng định không phải bất thường nào ở ngực đều gây ra bệnh ung thư vú mà tỉ lệ ung thư vú khoảng 26 trên 100.000 người. Phụ nữ cần quan tâm hơn nữa đến sức khỏe, thường xuyên tự khám vú là rất cần thiết, để sớm phát hiện ra những thay đổi của vú và tìm đến bác sĩ khám kiểm tra lại.

Nên khám nhũ định kỳ

Phụ nữ trên 40 tuổi, không có nguy cơ cao về ung thư vú cần tự khám vú hằng tháng ở nhà, đến các bác sĩ chuyên khoa khám siêu âm vú mỗi 6 tháng đến 1 năm. Chụp nhũ ảnh mỗi 2 năm để được tầm soát ung thư vú. Chụp nhũ ảnh sẽ phát hiện những tổn thương rất nhỏ khó thấy qua khám tay hay siêu âm vú, những tổn thương tiền ung thư hay ung thư vú tại chỗ. Những trường hợp này sẽ được chữa khỏi bệnh ung thư vú gần như 90 - 100%, người bệnh hồi phục khỏe mạnh như người bình thường.

Những người có nguy cơ cao bị ung thư vú (mẹ, em gái, chị gái, con gái bị ung thư vú, cha bị ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, những người bị xạ trị vùng ngực lúc trẻ...) từ 35 tuổi trở lên nên chụp nhũ ảnh mỗi năm, hoặc kèm theo chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm gen ung thư tìm đột biến gen BRCA1, BRCA2 để được tầm soát ung thư vú.

 Theo Tuổi trẻ online

comment Bình luận

largeer