Phú Thọ di dời 42 hộ dân do mưa lũ và sạt lở

Theo UBND huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, trong những ngày qua, trên địa bàn huyện có mưa lớn gây ngập úng, lũ quét, lũ ống và sạt lở, khiến 42 hộ bị ảnh hưởng phải di dời.
09/09/2022 14:52

Trong đó, 32 hộ bị ngập úng (xã Đông Cửu 1 hộ, xã Yên Lương 31 hộ); 5 hộ bị sạt lở ta luy dương (Đông Cửu 3 hộ, Thượng Cửu 2 hộ); 1 hộ tại xã Đông Cửu bị sạt lở ta luy âm; di dời 4 hộ sinh sống tại ven sông thuộc địa bàn xã Lương Nha.

Ngoài ra, mưa lũ còn khiến đổ tường rào tại Trạm Y tế xã Thượng Cửu; Sạt lở tỉnh lộ 316D thuộc địa phận xã Yên Sơn; 143ha lúa bị ngập úng; Nhiều nhà dân trên địa bàn huyện bị ngập úng phải di dời tài sản, gia súc, gia cầm.

Trong những ngày qua, mưa lũ cũng làm nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bị ngập úng.

Di dời một hộ dân tại xã Lương Nha do bị sạt lở xuống sông. Ảnh: Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT

Di dời một hộ dân tại xã Lương Nha do bị sạt lở xuống sông. Ảnh: Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT

Tại huyện Tân Sơn, có nhiều điểm ngập úng cục bộ, nhiều tràn, ngầm bị ngập sâu, nhiều điểm sạt lở khiến cho hệ thống giao thông bị chia cắt, một số hộ dân tại các xã bị ngập úng phải di chuyển người, tài sản; Một số diện tích hoa màu bị ảnh hưởng và thiệt hại.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương chỉ đạo các xã triển khai lực lượng khẩn trương kiểm tra các khu dân cư có nguy cơ sạt lở để tổ chức di dời đến nơi an toàn; Thường xuyên cập nhật, chuyển tải thông tin, diễn biến tình hình mưa lũ đến nhân dân.

Các địa phương chỉ đạo các trường học trên địa bàn chủ động lên phương án di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất đến nơi an toàn khi mưa lớn tiếp tục xảy ra; Chủ động khẩn trương huy động lực lượng và phối hợp khắc phục các điểm sạt lở, khơi thông các cống rãnh và triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là qua ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết...

Trước tình hình mưa lũ và sạt lở đất diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tại và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa, lũ trên địa bàn, thông tin cảnh báo kịp thời đến các xã, phường, thị trấn và người dân để chủ động phòng, tránh, ứng phó.

Các địa phương, đơn vị triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, chia cắt, sạt lở đất, lũ quét; Chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng các phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, đặc biệt là hồ chứa xung yếu, bị xuống cấp hoặc có sự cố.

Các đơn vị cũng được yêu cầu sẵn sàng triển khai bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực ngập lụt, chia cắt để bảo đảm an toàn...

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về PCTT

comment Bình luận

largeer