Phú Thọ: Điều trị ca bệnh nhiễm trùng hoại tử ngón 5 bàn chân trái do biến chứng đái tháo đường

Mới đây, Khoa Ngoại, Trung tâm Y tế Tân Sơn (Phú Thọ) vừa tiếp nhận ca bệnh nhiễm trùng hoại tử ngón 5 bàn chân trái rất nặng do biến chứng đái tháo đường.
18/11/2024 11:47

Bệnh nhân nam 60 tuổi, mắc đái tháo đường type 2 kèm tăng huyết áp hơn 1 năm nay nhưng không điều trị thường xuyên.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng sốt cao, thể trạng suy kiệt, gầy, bàn chân trái nhiễm trùng nặng, xuất hiện hoại tử lan rộng toàn bộ ngón thứ 5, dịch mủ hôi thối, đau nhức.

Sau khoảng một tuần, ngón thứ 5 bàn chân trái có màu tím đen, xuất hiện các vết loét ở bàn chân. Bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế Tân Sơn điều trị.

m123

Hình ảnh chân bị hoại tử của bệnh nhân

Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng cao, chỉ số đường huyết vượt cao quá ngưỡng cho phép. Đáng lưu ý, bệnh nhân bị tổn thương ở bàn chân không có khả năng bảo tồn nên sau khi hội chẩn liên khoa, bệnh nhân được chỉ định cắt bỏ ngón thứ 5 bàn chân trái để tránh nguy cơ nhiễm trùng lan rộng thêm, bảo toàn tính mạng.

Trường hợp của bệnh nhân trên biến chứng rất nặng, do vậy sau phẫu thuật, diễn biến bệnh nhân còn phức tạp như: tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc, thiếu máu nặng, cơ thể suy kiệt, mỏm cụt có nguy cơ hoại tử khó liền.

Bệnh nhân được phối hợp điều trị tích cực chống nhiễm khuẩn, kiểm soát đường huyết, bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc mỏm cụt, rửa vết thường hằng ngày cùng những hỗ trợ khác.

Sau hơn 2 tuần điều trị, chăm sóc toàn diện, tình trạng bệnh nhân ổn định, vết thương tại mỏm cụt đã gần liền hoàn toàn, sinh hoạt ăn uống dần trở lại bình thường, tâm trạng ổn định và cho xuất viện về nhà.

Người bệnh đái tháo đường dễ bị xơ vữa động mạch, các mạch máu bị hẹp hoặc tắc sẽ làm giảm lượng máu đến bàn chân làm các vết loét lâu lành. Trường hợp bị tắc hoàn toàn động mạch, bàn chân và các ngón chân có thể bị hoại tử toàn bộ. Người bệnh hay bị biến chứng thần kinh ngoại vi, mất cảm giác, bệnh mạch máu tăng nhiễm khuẩn.

Đáng chú ý, với người bệnh đái tháo đường, biến chứng loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không phải do chấn thương. Việc điều trị bàn chân đái tháo đường hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer