Phú Thọ: Điều trị cho bệnh nhân bị suy tĩnh mạch 2 chân dẫn đến viêm loét, hoại tử

Người bệnh P.Q.T. (64 tuổi), bị suy tĩnh mạch 2 chân dẫn đến viêm loét, hoại tử, có nguy cơ phải cắt bỏ.
07/12/2023 07:14

Người bệnh bị đau tức chân nhiều năm nay, đã đi khám và điều trị nhiều nơi nhưng không đỡ. Thời gian gần đây, người bệnh đau nhức nhiều, 2 chân tím đen, loét nhiều chỗ, đi lại rất khó khăn nên đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thăm khám.

Người bệnh đến khám tại bệnh viện trong tình trạng đi lại khó khăn, phải có sự hỗ trợ; mặt ngoài cẳng chân phải có vết loét hoại tử mủ, kích thước khoảng 6x5cm; mặt trước cẳng chân trái có nhiều vết loét khô. Các vết loét tồn tại từ lâu không có dấu hiệu phục hồi mà có xu hướng ngày càng nặng lên.

o

Chân hoại tử của bệnh nhân

Sau khi thăm khám kỹ lưỡng bằng siêu âm doppler mạch máu, chụp dựng hình mạch máu, các bác sĩ của Khoa Can thiệp Tim mạch đã chẩn đoán: Suy tĩnh mạch 2 bên chân giai đoạn C6, biến chứng loét hoại tử cẳng chân hai bên.

Tình trạng hoại tử cẳng chân hai bên sẽ không thể khỏi bằng các phương pháp điều trị thông thường. Qua hội chẩn liên chuyên khoa, phương pháp điều trị tối ưu cho người bệnh được đưa ra: Can thiệp điều trị suy tĩnh mạch bằng laser nội mạch.

Người bệnh cũng được phối hợp điều trị chăm sóc vết loét hàng ngày với Khoa Chấn thương I. 10 ngày sau can thiệp và chăm sóc vết loét tích cực, người bệnh ổn định, vận động đi lại tốt, các vết loét dần hồi phục.

Hiện tại, người bệnh khám lại sau 2 tháng, các vết loét đã hồi phục hoàn toàn.

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là tình trạng bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của hệ tĩnh mạch, do tăng áp lực tĩnh mạch, gây suy các van tĩnh mạch.

Bệnh thường gặp trong cộng đồng, tuy nhiên chưa được quan tâm phòng ngừa và điều trị sớm. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ nên thường bị bỏ qua. Người bệnh đôi khi chỉ thấy đau tức, mỏi nhẹ, tê bì, căng bắp chân, chuột rút hoặc biến đổi màu sắc da… nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh khác, đặc biệt các bệnh lý cơ xương khớp hoặc da liễu.

Đa số người bệnh đi khám khi thấy giãn tĩnh mạch mạng nhện, các búi tĩnh mạch nông giãn ngoằn ngoèo dưới da hoặc người bệnh đi khám khi tình trạng nặng hơn như phù chân, biến đổi sắc tố da, loét hoặc huyết khối sưng nề chân dẫn đến điều trị lâu dài, tốn kém chi phí, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Do đó, người bệnh khi thấy các biểu hiện như: Thường xuyên cảm thấy mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều, có cảm giác kim châm, dị cảm như kiến bò ở vùng cẳng chân vào ban đêm, thường bị chuột rút vào buổi tối… nên đến bệnh viện khám để phát hiện bệnh sớm và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer