Hải Phòng: Cấp cứu bé sơ sinh bị teo ruột phức tạp

Mới đây, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cấp cứu bé sơ sinh 30 giờ tuổi, cân nặng 3.700 gram, được chuyển từ tuyến dưới đến.
06/12/2023 14:16

Bệnh nhi được chuyển đến trong tình trạng nôn nhiều dịch xanh, bụng chướng, chưa đại tiện phân su, thăm hậu môn chỉ thấy kết thể màu trắng.

Nhận định đây là những triệu chứng của tắc ruột sơ sinh, song song công tác khẩn trương hồi sức tích cực, bệnh nhi đã được chỉ định chụp CT bụng có thuốc cản quang để chẩn đoán. Kết quả chụp CT bụng có hình ảnh tắc ruột.

man-city-jpeg-4664-1701210249

Hình ảnh chụp CT ổ bụng bệnh nhi

Sau khi xác định chính xác đây là bệnh lý tắc ruột sơ sinh, bệnh nhi đã được các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật cấp cứu khi chưa đầy 2 ngày tuổi.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ nhận thấy bệnh nhi bị teo ruột non gián đoạn tại 2 vị trí khác nhau (đây chính là nguyên nhân gây tắc ruột cho bệnh nhi). Theo phân loại thuộc type IV – một kiểu teo ruột rất hiếm gặp và khó điều trị: đoạn ruột phía trên giãn to, đường kính lớn hơn 4 lần so với đoạn ruột phía dưới.

Ca phẫu thuật đã diễn ra thành công sau gần 2 tiếng, bệnh nhi đã được cắt bỏ đoạn ruột teo làm sinh thiết và nối ruột với tổng cộng 2 miệng nối. Sau 5 ngày phẫu thuật, bệnh nhi đã ăn sữa và tự đi ngoài được, bụng không chướng, dự kiến sẽ được xuất viện trong vài ngày tới.

BSCKI Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, là người trực tiếp phẫu thuật cho biết: Tắc ruột ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân, có thể do tắc tá tràng; ruột quay dở dang; phình đại tràng bẩm sinh; teo ruột … Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây viêm phúc mạc do biến chứng thủng ruột, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất, trong đó phẫu thuật điều trị teo ruột là khó nhất. Do sự chênh lệch lớn khẩu kính giữa 2 đoạn ruột, sau khi nối nguy cơ bục, xì, rò miệng nối rất cao nên đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề và chuyên môn cao.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer