Phú Thọ: Gia tăng số người nhập viện bị đột quỵ do thời tiết lạnh giá

Thời tiết đang trong những ngày giá lạnh, nhiệt độ thấp và không khí lạnh kéo dài là tác nhân khiến nhiều bệnh lý gia tăng, đặc biệt là đột quỵ.
24/12/2024 11:30

Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh (Phú Thọ), trong những ngày gần đây, tỷ lệ người bệnh tai biến mạch máu não, đột quỵ gia tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 5 người bệnh. Đa phần các trường hợp nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, huyết áp tăng, có cơn đau thắt ngực, yếu mỏi cơ, giảm vận động 1/2 người, hình ảnh chụp CT sọ não có ổ nhồi máu...

BSCKI. Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Phù Ninh cho biết: Khoảng 60-70% các trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều. Thêm nữa, tỷ lệ đột quỵ não có tăng huyết áp vào mùa lạnh cao hơn mùa nóng, chiếm khoảng 85%. 

anh-chup-man-hinh-2024-12-23-luc-12.15.46

(Ảnh minh họa)

Mùa lạnh dễ bị đột quỵ do nhiệt độ giảm xuống, cơ thể con người có phản xạ tăng tiết catecholamine làm co các mạch máu ngoại vi để giữ nhiệt làm ấm cơ thể. Khi co mạch sẽ làm tăng trương lực mạch máu dẫn đến huyết áp tăng cao. Điều này khiến cho người bệnh dễ bị chảy máu trong não, gây nên xuất huyết não, đặc biệt ở người bệnh có kèm theo xơ vữa động mạch.

Để phòng đột quỵ trong mùa lạnh, việc giữ ấm cơ thể là rất cần thiết. Trong những ngày rét đậm, nếu không có việc cần thiết, nên tránh đi ra ngoài trời lạnh, mặc nhiều lớp áo để giữ ấm, tránh uống đồ lạnh, đồ uống có cồn, giữ ấm cơ thể, ăn uống đầy đủ. 

Khi người dân thấy có những dấu hiệu sau cần được xử trí và đưa đến cơ sở y tế nhanh nhất có thể: Đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động; Mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của 1 hoặc cả 2 mắt; Bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn; Cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt 1 bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng 1 lúc; Khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer