Phường Yên Nghĩa: Động lực mới cho sự phát triển vùng cửa ngõ Thủ đô

Từ ngày 1/7/2025, phường Yên Nghĩa – một trong những đơn vị hành chính mới trên địa bàn Thủ đô Hà Nội – chính thức đi vào hoạt động. Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước chuyển trong công tác sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã theo Nghị quyết của Quốc hội, mà còn mở ra kỳ vọng về một mô hình phường hiện đại, lấy con người và chất lượng phục vụ làm trung tâm, hướng tới sự phát triển toàn diện và bền vững.
21/07/2025 13:35

Lời tựa: Từ ngày 1/7/2025, các đơn vị hành chính mới chính thức vận hành theo mô hình chính quyền đô thị hai cấp tại TP Hà Nội, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong tiến trình cải cách tổ chức bộ máy nhà nước. Chuyên đề tuyên truyền của Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng nhằm phản ánh vai trò, nỗ lực và hành động của chính quyền cơ sở trong việc đưa mô hình mới đi vào cuộc sống, bảo đảm phục vụ người dân ngày một hiệu quả, minh bạch và gần dân hơn.

Ngay sau khi đi vào vận hành, bộ máy hành chính của phường Yên Nghĩa đã nhanh chóng ổn định, làm việc với tinh thần “vì nhân dân phục vụ”. Những nhu cầu thiết thực như cấp giấy tờ, xác nhận văn bản, công chứng… được giải quyết nhanh gọn, tận tình. Người dân đến làm thủ tục đều được cán bộ hướng dẫn cụ thể, chu đáo, góp phần giảm tải thời gian đi lại và nâng cao sự hài lòng.

Khu phục vụ hành chính công phường Yên Nghĩa

Khu phục vụ hành chính công phường Yên Nghĩa

“Mong rằng phường mới sẽ tiếp tục duy trì tinh thần làm việc nhanh gọn, hợp tình, hợp lý như hiện nay để người dân thấy rõ sự đổi mới”, một người dân đến công chứng giấy tờ chia sẻ.

Cán bộ phường cũng chủ động khắc phục những trục trặc ban đầu của phần mềm hành chính công. Ông Nguyễn Đình Chuyên – cán bộ UBND phường Yên Nghĩa – cho biết: “Chúng tôi đã thiết lập điểm phục vụ hành chính công hiện đại, đồng thời phối hợp với các đơn vị kỹ thuật để xử lý lỗi phần mềm, đảm bảo người dân không bị gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ.”

Một số bài liên quan:

UBND xã Nội Bài - Hà Nội: Công bố quyết định nhân sự ngành Y tế và Giáo dục

Đại biểu Quốc hội đoàn thành phố Hà Nội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV

“Khát vọng kỷ nguyên mới” – Dấu ấn văn hóa chào mừng thành lập xã Đa Phúc

Với dân số gần 50.000 người, Yên Nghĩa là phường đông dân, nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô. Tận dụng lợi thế về địa lý, hạ tầng và nguồn nhân lực, chính quyền phường xác định rõ phương châm xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, đoàn kết – nơi người dân được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, có điều kiện phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.

Bà Lương Huệ Minh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Yên Nghĩa, TP Hà Nội

Bà Lương Huệ Minh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Yên Nghĩa, TP Hà Nội

Bà Lương Huệ Minh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Yên Nghĩa – chia sẻ: “Chúng tôi đặc biệt chú trọng công tác dân vận, phát huy vai trò của các hội viên, đoàn viên trong việc kết nối cộng đồng, tuyên truyền lối sống lành mạnh và gìn giữ truyền thống văn hóa địa phương.”

Đặc biệt, trong giai đoạn đầu vận hành, các đoàn thể chính trị – xã hội đã cùng chính quyền tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng: tuyên truyền bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, hướng dẫn người dân tiếp cận dịch vụ số... Đây là những yếu tố then chốt xây dựng “sức khỏe cộng đồng” từ gốc – không chỉ về y tế mà còn là sức khỏe xã hội và tinh thần.

Phát triển đi kèm với thách thức, nhưng chính quyền phường Yên Nghĩa đã thể hiện quyết tâm bằng cách xác lập hướng đi riêng: lấy sự đồng thuận xã hội làm nền tảng, lấy cải cách làm phương tiện và lấy chất lượng sống của người dân làm thước đo thành công.

lam viec 2

Ông Nguyễn Văn Sổ – người dân tổ dân phố 16 – bày tỏ sự tin tưởng: Tôi cảm nhận rõ những đổi thay tích cực. Từ hạ tầng, vệ sinh môi trường đến tinh thần phục vụ đều có chuyển biến rõ rệt. Tôi tin rằng chính quyền phường mới sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò để nâng cao chất lượng sống cho người dân.”

Dưới sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, sự đồng hành của các đoàn thể và sự ủng hộ của nhân dân, phường Yên Nghĩa đang vững bước trên hành trình trở thành “địa chỉ xanh” – nơi gìn giữ văn hóa truyền thống và kiến tạo không gian sống hiện đại, bền vững, mang bản sắc riêng trong lòng Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Văn Trì

comment Bình luận