Quảng Bình ghi nhận gần 160 ca sốt xuất huyết trong tuần và 1 người tử vong

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Bình (CDC), trong tuần vừa qua, toàn tỉnh ghi nhận thêm gần 160 ca mắc sốt xuất huyết (SXH) Dengue và đã có 1 trường hợp tử vong đầu tiên do SXH kể từ đầu năm đến nay.
27/11/2023 11:30

Do tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến bất lợi, nên dịch bệnh SXH Dengue có chiều hướng gia tăng trong tháng 10 và tháng 11 này. Theo CDC Quảng Bình, trong tuần từ ngày 18-26/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 159 trường hợp mắc SXH tại 7 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện Minh Hóa), với trên 60 xã, phường có bệnh nhân SXH. Trong đó, các ngày 21 (có 43 ca), 22 (có 27 ca) và 24 (có 31 ca) số ca mắc SXH tăng cao. Đặc biệt, trong tuần này đã ghi nhận một trường hợp tử vong, đây là trường hợp tử vong đầu tiên do mắc SXH tại tỉnh ta kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Đó là bệnh nhân nữ (56 tuổi), ở xã Quảng Xuân (Quảng Trạch). Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện đa khoa khu vực  Bắc Quảng Bình với chẩn đoán: SXH Dengue/Tăng huyết áp/Suy tim/ Viêm phế quản. Bệnh nhân được chuyển lên tuyến trên vào Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới với chẩn đoán: Sốc SXH Dengue ngày thứ 5/Suy tim/Sốc nhiễm khuẩn. Sau 4 ngày điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân tiên lượng rất nặng nên được gia đình xin về với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn tiêu điểm tiêu hóa/SXH Dengue/Suy đa tạng và bệnh nhân tử vong tại nhà. 

Ảnh: Báo Quảng Bình

Ảnh: Báo Quảng Bình

Như vậy, tích lũy từ đầu năm đến nay, Quảng Bình đã ghi nhận 1.360 ca mắc SXH Dengue, 1 trường hợp tử vong. Bố Trạch và Quảng Ninh vẫn là  2 địa phương có số ca mắc SXH cao nhất: Bố Trạch 398 ca, Quảng Ninh 247 ca; tiếp theo là TP. Đồng Hới 218 ca, Lệ Thủy 150 ca… Minh Hóa vẫn là  địa phương có số ca mắc SXH ít nhất (23 ca) kể từ đầu năm đến nay.

Giám đốc CDC Quảng Bình khuyến cáo: Ở nước ta hiện có 4 tuýp virus Dengue gây bệnh SXH được ký hiệu là D1, D2, D3 và D4. Vì vậy, một người có thể mắc đến 4 lần SXH trong đời và lần thứ 2 thường nặng hơn lần đầu. Hơn nữa, thường vào cuối mùa dịch SXH, tỷ lệ ca nặng sẽ gia tăng hơn so với đầu mùa dịch. Do đó, những nhóm đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc SXH cần lưu ý khi có sốt cao, nôn mửa, mẩn ngứa, đau đầu, đau cơ toàn thân phải đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ diễn biến nặng và tử vong, đó là: Nhóm dưới 4 tuổi (đặc biệt dưới 12 tháng tuổi). Nhóm bệnh nền, dễ chảy máu, có bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, có bệnh đông máu, khó cầm máu. Nhóm người béo phì, phản ứng với SXH rất mạnh mẽ, tỉ lệ nặng ở nhóm này cao hơn. Phụ nữ mang thai bị SXH có thể sinh bất cứ lúc nào…

Theo Báo Quảng Bình

comment Bình luận

largeer