Quảng Nam yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch tại phố cổ Hội An

Yêu cầu rà soát, xem xét cơ sở vật chất cũng như điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh ẩm thực trong khu phố cổ Hội An được đặt ra, khi địa phương này có đến gần 150 người ngộ độc sau khi ăn cùng một loại thực phẩm.
18/09/2023 11:21

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, cả 141 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm đều đang điều trị cơ bản ổn định.

Đây là những người đã ăn bánh mì Phượng của hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 (số 02B, đường Phan Châu Trinh, phường Minh An, TP.Hội An) trong các ngày 11 - 12/9. Ghi nhận từ các bệnh viện, cơ sở điều trị trong và ngoài tỉnh, đa số bệnh nhân đều có triệu chứng sốt, nôn mửa, đau bụng, đi phân lỏng nhiều lần và kéo dài.

Theo báo cáo từ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sau khi tiến hành kiểm tra cơ sở Bánh mì Phượng cho thấy, khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh, chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác.

Bên cạnh đó, quán không lưu bánh mì, sốt trứng gà tươi trong số lượng món ăn của một ngày. Cơ sở bánh mì này cũng không đảm bảo điều kiện về dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải. Các dụng cụ sơ chế, chế biến như máy xay thịt, tủ lạnh, dụng cụ chứa đựng thực phẩm chưa đảm bảo vệ sinh.

Ảnh: Báo Quảng Nam

Ảnh: Báo Quảng Nam

Cũng theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn nghi ngờ có yếu tố gây ngộ độc được xác định là bánh mì có nhân, gồm: pa tê, thịt xíu, xíu mại, rau răm, rau húng, hành, xà lách, sốt trứng gà tươi, dưa leo, đu đủ chua, chả heo.

Ngay sau sự việc tại Hội An, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có văn bản đề nghị Sở Y tế và địa phương xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam đã đề nghị TP Hội An giám sát việc dừng hoạt động của hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 cho đến khi có kết luận vụ ngộ độc của cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với cơ sở gây ngộ độc thực phẩm khi có kết luận vụ ngộ độc thực phẩm.

Đặc biệt, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nằm trong khu vực phố cổ Hội An, đề nghị UBND TP Hội An xem xét cơ sở vật chất (như nền, tường…) xuống cấp không đủ điều kiện mà không được phép sửa sang, cải tạo mới để đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 200 nạn nhân, trong đó có 1 người chết. Các vi phạm chủ yếu vẫn là kinh doanh dịch vụ ăn uống không có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn; không thực hiện chế độ kiểm thực 3 bước theo quy định của pháp luật, không thực hiện tự công bố sản phẩm; không có dụng cụ thu gom, chứa đựng chất thải rắn đảm bảo vệ sinh, chưa thực hiện kiểm nghiệm nguồn nước đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định...

Theo Báo Quảng Nam

comment Bình luận

largeer