Quảng Ngãi: Dịch viêm da nổi cục lan rộng toàn tỉnh

Dịch viêm da nổi cục (VDNC) đã lan rộng 13/13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Quảng Ngãi với hơn 17.800 con trâu, bò mắc bệnh.
10/08/2021 16:56
a1

 Dịch VDNC đã lan khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 1/3 đến nay, dịch bệnh VDNC ở trâu, bò đã xảy ra tại 9.599 hộ chăn nuôi, làm 17.820 con bò mắc bệnh (chiếm tỷ lệ 6,3% tổng đàn), trong đó chết 786 con (chiếm tỷ lệ 4,4% tổng số bò mắc bệnh). Tổng thiệt hại do dịch VDNC gây ra lên đến hơn 37 tỷ đồng. Các địa phương có đàn bò mắc bệnh nhiều là Bình Sơn, Mộ Đức, Nghĩa Hành, Minh Long, thị xã Đức Phổ…

Tại huyện Nghĩa Hành, dịch bệnh VDNC lây lan ra 12/12 xã, thị trấn, với hơn 3.000 con mắc bệnh, hơn 50 con bị chết, tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện đã tổ chức tiêm phòng bao vây với 9.000 liều vaccine và tiến hành 3 đợt phun tiêu độc khử trùng toàn bộ môi trường chăn nuôi.

a2

Ngành thú y huyện Nghĩa Hành phun tiêu độc khử trùng môi trường.

Ông Đàm Bàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành cho biết: “Trong công tác phòng chống dịch VNDC, tiêm vaccine là quan trọng nhất. Huyện đã hỗ trợ 5.000 liều vaccine để tiêm cho đàn bò. Tuy nhiên, hiện kinh phí rất khó khăn, nguồn dự phòng của huyện dùng cho công tác phòng chống dịch đã hết”.

Sở NN&PTNN nhận định, dịch bệnh VDNC đang lây lan nhanh và kéo dài trong nhiều tháng tới. Công tác phòng, chống dịch hiện nay cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp. Trong đó, tiêm phòng vaccine là biện pháp hiệu quả nhất để chặn đứng đà lây lan của dịch bệnh.

Tuy nhiên, đến thời điểm báo cáo, tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 36%, còn thiếu 180.000 liều nữa mới đạt tỷ lệ 90% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNN.

Theo ông Nguyễn Quang Trung - Phó Giám đốc Sở NN&PTNN, trước tình hình dịch bệnh VDNC diễn biến phức tạp, Sở tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người dân không được giấu dịch. Khi trâu, bò có dấu hiệu bệnh phải sớm báo với cơ quan chuyên môn để cử cán bộ xuống hướng dẫn cách phòng trừ, nghiêm cấm bán tháo, bán chạy ra khỏi địa bàn; cách ly trâu, bò bị bệnh để không lây lan.

“Đây là giải pháp phải cương quyết thực hiện, chỉ khi làm được thì công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh mới thành công”, ông Nguyễn Quang Trung nói.

a3

Sở NN&PTNN kiểm tra công tác phòng chống dịch VDNC.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC ở trâu, bò vào chiều 9/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền nhận định, dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh có chiều hướng ngày càng gia tăng, lây lan ra diện rộng, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, khó khăn nhất là hiện nay các địa phương thiếu nguồn lực để phòng, chống dịch và hỗ trợ cho người chăn nuôi.

Để ngăn chặn và khống chế dịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu khẩn cấp tiêm phòng vaccine phòng bệnh VDNC cho số trâu, bò khỏe mạnh còn lại; các địa phương, cơ quan liên quan và người chăn nuôi phải tich cực vào cuộc, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tính nguy hại của dịch bệnh cũng như biện pháp phòng chống dịch bệnh và vấn đề vệ sinh môi trường xung quanh. Các địa phương tiếp tục mua vaccine từ nguồn ngân sách dự phòng, nguồn huy động xã hội hoá và đóng góp của hộ chăn nuôi để tiêm phòng cho đàn trâu, bò đạt 90% tổng đàn theo quy định

(Theo Kinhtedothi)

comment Bình luận

largeer