Quảng Ninh điều trị cứu sống một bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (tỉnh Quảng Ninh) vừa điều trị cứu sống một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn biến chứng suy đa tạng do nhiễm liên cầu khuẩn lợn.
01/08/2023 16:25

Bệnh nhân P.V.B (47 tuổi, sinh sống tại phường Đại Yên, TP Hạ Long) bị đi ngoài phân lỏng nhiều lần, đau bụng từng cơn quanh rối, người mệt mỏi, được gia đình đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng tụt huyết áp, nổi vân tím toàn thân, xuất huyết dưới da rải rác. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân mua thịt lợn về nhà và trực tiếp chế biến nấu ăn. 

dsc-7351

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn được điều trị qua cơn nguy kịch tại Bệnh viện Bãi Cháy

Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm trùng nặng, suy đa tạng. Dựa trên thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, theo dõi liên cầu khuẩn lợn.

Ngay khi tiếp nhận, các bác sĩ đã xử trí điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực như thở máy, duy trì thuốc vận mạch, kháng sinh phối hợp, lọc máu hấp phụ, bù dịch, điện giải… Kết quả nuôi cấy máu xác định dương tính với liên cầu khuẩn lợn. Sau 8 ngày điều trị hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát nguy kịch, sức khỏe ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.

Vi khuẩn liên cầu khuẩn lợn (tên khoa học là Streptococcus suis) thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Đường lây nhiễm có thể thông qua đường tiêu hóa xâm nhập vào cơ thể do người bệnh ăn tiết canh, thịt sống hoặc qua đường tiếp xúc với máu, dịch tiết, thịt lợn sống thông qua vết thương trầy xước từ da, niêm mạc của người. 

BS CKI Nguyễn Sỹ Mạnh – Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: “Người bệnh nhiễm liên cầu lợn gồm 3 thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ ban đầu nhiễm khuẩn đã nặng. Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đến 4 – 5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày tùy cơ địa mỗi người. Những triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng như: đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng… dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường nên đến viện chậm trễ. Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu khuẩn lợn. Nếu không điều trị kịp thời, một số trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn nguy kịch có diễn tiến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, tử vong nhanh chóng. Di chứng viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn để lại khiến người bệnh có thể bị điếc, đau đầu…”.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng, thời gian điều trị dài ngày và rất tốn kém, di chứng để lại nặng nề. Bệnh nhân từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại lần sau. Vì vậy, qua trường hợp bệnh nhân này, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo:

Người dân không ăn tiết canh, lòng lợn và thịt lợn chưa được nấu chín, không ăn thịt lợn chết hoặc bị bệnh;

Đối với người chăn nuôi và giết mổ thường xuyên tiếp xúc với dịch tiết, máu, thịt lợn sống  cần thực hiện vệ sinh cá nhân trang bị bảo hộ lao động, giữ tay không bị trầy xước và rửa tay ngay sau khi tiếp xúc với lợn để tránh vi khuẩn xâm nhập. Nếu có dấu hiệu sốt cao, đau đầu , buồn nôn cần phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn;

Thường xuyên cọ rửa chuồng gia súc và tẩy uế bằng dung dịch diệt khuẩn; Xử lý phân hợp lý tránh đào thải mầm bệnh ra ngoại cảnh…

Theo Bệnh viện Bãi Cháy

comment Bình luận

largeer