Quảng Ninh phẫu thuật cho bệnh nhi 5 tuổi bị lỗ tiểu thấp

Lỗ tiểu thấp là một trong những dị tật hệ sinh dục bẩm sinh ở bé trai, khá thường gặp với tỷ lệ 1/300 trẻ. Bệnh gây khó khăn khi tiểu tiện và nguy cơ vô sinh về sau, vì vậy việc phát hiện và điều trị kịp thời sẽ giúp trẻ phục hồi chức năng hệ sinh dục, tránh ảnh hưởng tâm lý của trẻ.
16/05/2023 11:11

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi 5 tuổi bị lỗ tiểu thấp. Bệnh nhi là H.T.K (5 tuổi), ở Lạng Sơn. Theo gia đình cho biết phát hiện bé trai bị dị tật lỗ tiểu thấp từ khi mới sinh. Vì còn quá nhỏ nên các bác sĩ tư vấn theo dõi và thực hiện phẫu thuật khi trẻ trên 2 tuổi. Dị tật lỗ tiểu thấp khiến cháu K. phải ngồi tiểu như bé gái, cũng vì dị tật này mà gia đình ngần ngại khi cho con đi học mầm non.

Sau khi được người quen giới thiệu về chất lượng y tế tại Quảng Ninh, gia đình đã tin tưởng và quyết định đưa con từ Lạng Sơn đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Cháu K. đã được Bs.CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại thăm khám đánh giá lỗ tiểu ngoài của cháu ở đoạn dưới rãnh quy đầu, dương vật cong khá nhiều. Bệnh nhi được chẩn đoán dị tật lỗ tiểu thấp và chỉ định phẫu thuật tạo hình lỗ tiểu.

Empty

Phẫu thuật viên thực hiện tạo hình lỗ tiểu cho cháu K. với sự hỗ trợ của kính vi phẫu

Ca mổ do các bác sĩ khoa Ngoại và khoa Gây mê hồi sức phối hợp thực hiện. Phẫu thuật viên đã tiến hành phẫu tích làm thẳng dương vật, khâu tạo hình niệu đạo bằng vạt niêm mạc và và đưa lỗ tiểu về đỉnh dương vật, dùng vạt da bao qui đầu tạo hình che phủ dương vật thành công. Sau mổ, cháu K. ổn định, vết mổ khô, nước tiểu qua sonde trong. Đến nay sau 2 tuần điều tri, bệnh nhi đã có thể tự đứng tiểu như trẻ nam bình thường, vết mổ liền tốt, sẵn sàng niềm vui đến lớp, những bất tiện trong việc đi tiểu cũng được khắc phục hoàn toàn.

Vui mừng khi con phẫu thuật thành công, mẹ cháu K. chia sẻ: “Bị bệnh này khiến con tôi từ trước đến nay đều phải ngồi tiểu giống các bạn gái. Gia đình cũng lo lắng khi con sắp đến tuổi đi học mà như vậy thì cháu có thể bị bạn bè trêu chọc, dẫn đến tâm lý mặc cảm và tự tin với mọi người. Vì vậy, gia đình cũng tham khảo nhiều nơi và tin tưởng tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để điều trị cho cháu. Lần đầu tiên thấy con đứng tiểu như các bé trai khác, người làm mẹ như tôi xúc động vô cùng. Cảm ơn các bác sĩ đã tận tình chăm sóc, điều trị cho con tôi như vậy!”.

Lỗ tiểu thấp là một dị tật bẩm sinh ở hệ sinh dục bé trai với biểu hiện lỗ tiểu nằm ở vị trí thấp hơn vị trí bình thường ở đỉnh bao quy đầu kèm theo biến dạng dương vật (cong, xoay trục hay lún gục vào bìu). Đây là một trong những dị tật bẩm sinh của dương vật thường gặp với tỷ lệ 1/300 bé trai. Việc chẩn đoán và đánh giá mức độ nặng nhẹ của bệnh có thể qua thăm khám lâm sàng kết hợp cùng một số phương tiện chẩn đoán khác để xem trẻ có mắc kèm các bệnh khác ở vùng sinh dục hay không.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị tối ưu nhất đối với bệnh lý dị tật lỗ tiểu thấp. Bệnh lý này cần được phát hiện sớm và điều trị đúng thời điểm, độ tuổi phẫu thuật thích hợp nhất là từ 2 đến 6 tuổi, lúc này các tổ chức ở dương vật mềm mại, đàn hồi tốt, ít xơ nên quá trình liền sẹo, lành vết thương nhanh chóng. Tâm lý trẻ ở giai đoạn này cũng chưa bị ảnh hưởng nhiều, việc tạo hình dương vật sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ, từ đó cũng tránh được nguy cơ vô sinh về sau.

Đại diện kíp phẫu thuật, bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng – Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Phát biện cháu K. bị lỗ tiểu thấp từ khi mới sinh, đến nay 5 tuổi gia đình đưa cháu đi phẫu thuật là rất đúng đắn. Nếu để muộn hơn đến tuổi đi học, khi cháu biết mình khác thường và bị bạn bè trêu chọc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của trẻ, hơn nữa là các nguy cơ biến chứng về sau. Trường hợp của cháu K. chúng tôi đánh giá ở thể trung bình, vị trí lỗ tiểu nằm ở dưới rãnh quy đầu, dương vật cong vừa. Sau khi hội chẩn, kíp phẫu thuật đã tiến hành tạo hình và đưa lỗ tiểu về đúng vị trí đỉnh bao quy đầu. Sau cuộc mổ, cháu K. đã có thể đứng tiểu bình thường trong niềm vui mừng, hạnh phúc của gia đình”.

Phẫu thuật lỗ tiểu thấp là phẫu thuật tạo hình khó nên có thể xảy ra biến chứng sau mổ, như: rò, hẹp niệu đạo, túi thừa niệu đạo... “Bệnh nhi còn nhỏ tuổi nên việc thao tác khâu và tạo hình trên một cơ thể còn non nớt đòi hỏi sự khéo léo, độ tỉ mỉ cao. Đặc biệt là cần cẩn trọng để hạn chế tối đa các nguy cơ rò, hẹp niệu đạo, túi thừa niệu đạo sau mổ. Nhờ việc thuần thục các kỹ thuật khâu, tạo hình cho trẻ em, sự hỗ trợ đắc lực của trang thiết bị hiện đại (kính vi phẫu) và phối hợp chắt chẽ  của kíp gây mê mà ca mổ đã diễn ra thuận lợi, thành công", bác sĩ Hùng chia sẻ.

Empty

Sau mổ, cháu K. đứng tiểu tốt, bác sĩ khoa Ngoại tư vấn gia đình chăm sóc vết thương trước khi xuất viện)

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo: Trẻ em sau sinh cần phải được thăm khám tổng thể, bao gồm cả cơ quan sinh dục. Ở bé trai, các bậc phụ huynh có thể dễ dàng phát hiện khi nhìn thấy lỗ tiểu của trẻ không nằm ở đỉnh dương vật mà nằm dọc theo mặc dưới của thân dương vật. Trong trường hợp thấy có dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần cho trẻ đến khám tại cơ sở y tế để được khám, tư vấn theo dõi và phẫu thuật kịp thời khi có chỉ định. Mặc dù bệnh lý này không nguy hiểm tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của trẻ, gây tác động tiêu cực đến tâm lý khiến trẻ mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp, thậm chí gây nguy cơ vô sinh về sau nếu không kịp thời can thiệp. Ngoài ra, dị tật này có thể có các bệnh kèm ở vùng sinh dục như: thoát vị bẹn, ẩn tinh hoàn, bìu chẻ đôi, dương vật thấp so với bìu… vì vậy việc thăm khám, kiểm tra là vô cùng cần thiết, mang lại cho trẻ chất lượng cuộc sống tốt hơn về sau.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer