Quảng Ninh: Sử dụng lá cây tắm chữa Pemphigus, bệnh nhân bị viêm da trầm trọng

Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp nữ bệnh nhân có tiền sử Pemphigus nhưng không khám chữa mà nghe theo lời mách của người quen lấy lá cây về tắm dẫn đến tình trạng bệnh càng nặng thêm.
17/02/2023 09:00

Bệnh nhân là chị B.T.M (47 tuổi) ở xã Quảng La, TP Hạ Long, có tiền sử Pemphigus thông thường. Bệnh nhân được phát hiện bệnh khoảng 1 năm nay, từng điều trị một đợt tại bệnh viện. Đợt này bệnh nhân đột ngột gột xuất hiện các nốt phồng rộp, bọng nước vùng mặt, lưng và ngực, ngứa rát nhiều. Chị đã không đến viện kiểm tra mà nghe theo lời mách của người quen lấy lá cây về tắm với mong muốn vết loét sẽ lành nên chị đã làm theo. Tuy nhiên, sau khi sử dụng tình trạng không đỡ mà các vết loét ngày càng nặng hơn. Các bọng nước trên da ngày càng nhiều viêm đỏ và rỉ dịch mủ.

viemda2-16765608072041208311458

Tình trạng da bị nghiêm trọng hơn khi sử dụng lá cây để tắm (Ảnh: BVCC)

Bệnh nhân nhập khoa Da liễu, BVĐK tỉnh Quảng Ninh trong tình trạng da có nhiều vết trợt rỉ máu, rỉ dịch vàng, chảy mủ do bọng nước vỡ để lại trên nền da cũ có nhiều vảy tiết dày màu nâu đen, tập trung vùng đầu mặt, lưng, ngực và rải rác toàn thân, vùng tổn thương đau rát nhiều. Sau thăm khám lâm sàng kỹ lưỡng và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị Pemphigus thông thường bội nhiễm trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuýp II, rối loạn chuyển hóa lipid.

Bệnh nhân đã được các bác sĩ khoa Da liễu chăm sóc và điều trị tích cực bằng các phương pháp phối hợp: sử dụng kháng sinh, truyền dịch, kháng histamin, kiểm soát đường huyết, vệ sinh chăm sóc toàn thân và vùng da trợt loét hàng ngày, bù nước và điện giải, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng… 

Hiện tình trạng Pemphigus bội nhiễm của bệnh nhân dần cải thiện tích cực, các vùng da tổn thương dần se khô, đóng vảy và lên da non, liền tốt.

BSCKI Ninh Thị Hà, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Nguy hiểm với những trường hợp mắc bệnh là những tổn thương bóng nước trên da khi vỡ trợt rộng nhiều vùng trên cơ thể, có thể gây nhiễm trùng, nguy cơ bội nhiễm cao, tổn thương các cơ quan, mất nước điện giải… từ đó bệnh cảnh trở nặng, cơ thể suy kiệt do đau đớn. Trường hợp của bệnh nhân M. phức tạp, nặng nề do bệnh nhân ở nhà tự ý dùng lá không rõ loại để tắm và đắp vào các vùng da tổn thương. Vì vậy mà tình trạng nghiêm trọng hơn, toàn bộ vùng da trợt vỡ bọng nước rỉ máu, dịch mủ, viêm loét trên nền da cũ dát thâm, tổn thương đau nhức toàn vùng đầu mặt, lưng và ngực.

Đây là tình trạng đã bị bội nhiễm nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể biến chứng nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan thận, thậm chí đe dọa tính mạng. Cùng với việc dùng thuốc phối hợp, chúng tôi chăm sóc da toàn thân bằng cách cho tắm thuốc tím pha loãng, kết hợp thuốc bôi tại các tổn thương da trợt loét, kết hợp dinh dưỡng nâng cao thể trạng, giúp người bệnh nhanh liền vết thương và giảm thiểu triệu chứng của bệnh".

Cũng theo BS. Hà, Pemphigus là bệnh lý thuộc nhóm bệnh da có bọng nước tự miễn, căn nguyên là do xuất hiện tự kháng thể IgG lưu hành trong máu, gây phá hủy liên kết giữa các tế bào biểu mô sừng tạo lên hiện tượng ly gai, hình thành bóng nước trong lớp biểu bì da và niêm mạc. Bệnh chia nhiều thể khác nhau, trong đó Pemphigus thông thường là thể hay gặp nhất, chiếm khoảng 60 -70% tổng số các hình thái Pemphigus, nữ giới có tỷ lệ mắc nhiều hơn nam giới, tuổi trung bình mắc từ 40 – 60 tuổi.

Tổn thương trên da ở bệnh này chủ yếu là những bọng nước, phỏng nước rất dễ vỡ trên nền da bình thường, kích thước vài mm đến 4-5cm. Khi vỡ sẽ làm tổn thương trợt rộng, rỉ nước, dễ chảy máu. Toàn trạng bị ảnh hưởng rất sớm, có thể gây sốt dai dẳng, có khi sốt cao thành từng đợt, nhất là khi có nhiễm khuẩn thứ phát, nguy cơ biến chứng nhiễm khuẩn huyết, rối loạn tiêu hoá, tổn thương thận.

Các bác sĩ khuyến cáo: Bệnh Pemphigus sẽ được kiểm soát tốt nếu bệnh nhân khám và điều trị sớm theo chỉ định của bác sĩ ngay khi xuất hiện những triệu chứng khởi phát đầu tiên. Việc dùng các loại lá không rõ nguồn gốc để tắm, đắp lên các vùng da tổn thương sẽ khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng, nguy cơ biến chứng nhiễm trùng nguy hiểm tính mạng, vì vậy tuyệt đối không tự ý sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh

comment Bình luận

largeer