Sáng kiến y học được thúc đẩy từ đại dịch COVID-19

Giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều sáng kiến y học đã chứng minh được lợi ích bảo vệ sức khỏe cộng đồng, cũng như hứa hẹn tiếp tục tạo ra những thay đổi to lớn trong ngành y.
28/03/2022 16:37

Vaccine dựa trên gien

Giống như nhiều phát minh mới khác, vaccine dựa trên gien - bao gồm vaccine mRNA và vaccine ADN - cũng có những bước thăng trầm. Lúc mới phát triển, vaccine mRNA rất khó bảo quản và không tạo ra loại miễn dịch phù hợp. Còn vaccine ADN tuy ổn định hơn, nhưng lại có khả năng xâm nhập vào nhân tế bào kém nên cũng không tạo ra đủ khả năng miễn dịch. 

Khi COVID-19 bùng phát, vaccine mRNA đã được đưa vào thử nghiệm thực tế và hiệu quả phòng ngừa đến 94% của nó đã vượt qua kỳ vọng cao nhất của giới chức y tế. So với vaccine truyền thống (dùng virus/vi khuẩn đã bị giảm độc lực hoặc bất hoạt), vaccine dựa trên gien có lợi thế lớn hơn, vì chỉ sử dụng mã di truyền từ mầm bệnh. Và trong khi vaccine truyền thống phải mất vài tháng hoặc nhiều năm để phát triển, các nhà khoa học có thể phát triển vaccine ADN và vaccine mRNA ngay khi giải mã được trình tự gien của mầm bệnh mới - điều có thể thực hiện trong vài ngày. Nhờ đó, họ có thể thử nghiệm vaccine mới trong vài tuần, rồi tiến tới sản xuất hàng loạt trong vòng vài tháng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Vaccine dựa trên gien cũng tạo ra các phản ứng miễn dịch chính xác và hiệu quả hơn. Chúng vừa kích thích các kháng thể ngăn chặn nhiễm trùng, vừa kích thích tế bào miễn dịch T phản ứng mạnh mẽ để loại bỏ mầm bệnh vừa xuất hiện. Điều này làm cho vaccine dựa trên gien có thể phản ứng tốt hơn trước virus đột biến. Theo các chuyên gia, vaccine dựa trên gien có thể thay thế các loại vaccine truyền thống trong việc phòng ngừa bệnh sốt rét hoặc HIV, ung thư, cũng như sẵn sàng ngăn chặn đại dịch trong tương lai.

Thiết bị đeo giúp phát hiện bệnh sớm

Khi nhu cầu sử dụng thiết bị đeo cá nhân (như đồng hồ, vòng, nhẫn) “thông minh” ngày càng tăng, các nhà khoa học bắt đầu nghiên cứu khả năng theo dõi bệnh của chúng, chủ yếu tập trung vào bệnh mãn tính. Sự xuất hiện của SARS-CoV-2 vừa là mối nguy vừa là cơ hội để các chuyên gia nghiên cứu tiềm năng phát hiện nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng của các thiết bị đeo. Họ đã tạo ra các thiết bị đeo giúp đo thân nhiệt, nhịp tim, mức độ vận động và các chỉ số sinh trắc học khác, nhờ đó có thể sớm phát hiện tình trạng nhiễm COVID-19 trước khi triệu chứng xuất hiện. 

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều người sử dụng thiết bị đeo theo dõi sức khỏe và phương tiện này có thể thu thập nhiều dữ liệu hữu ích, các bác sĩ giờ đây cũng có thể chẩn bệnh chỉ bằng cách xem xét các dữ liệu đó - một khả năng mà trước đây họ chỉ mơ đến.

Chế tạo thuốc nhắm vào mạng lưới prôtêin

Hầu hết các loại thuốc chữa bệnh bằng cách làm gián đoạn hoạt động của một hoặc nhiều prôtêin đang rối loạn chức năng hoặc bị mầm bệnh tấn công. Gần đây, các chuyên gia đã khám phá ra tiềm năng của những mạng lưới prôtêin có thể giúp phát triển những loại thuốc mới dùng trong phòng ngừa và chữa bệnh.

Khi COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu lập tức bắt tay lập bản đồ mạng lưới prôtêin rộng lớn mà SARS-CoV-2 chiếm đoạt khi xâm nhập vào tế bào người. Nỗ lực này giúp họ xác định chính xác các prôtêin của con người trong mạng lưới prôtêin mà thuốc có thể dễ dàng nhắm tới. Cụ thể, các nhà khoa học đã nhận diện 69 hợp chất ảnh hưởng đến các prôtêin trong mạng lưới SARS-CoV-2 và 29 hợp chất hiện đã được giới chức Mỹ cho phép làm thuốc điều trị.

Ý tưởng lập bản đồ tương tác prôtêin của các mầm bệnh để phát triển thuốc mới không chỉ áp dụng cho SARS-CoV-2, mà nay còn được sử dụng trên các bệnh khác bao gồm ung thư, thoái hóa thần kinh và rối loạn tâm thần. Các nhà khoa học hy vọng cách tiếp cận này sẽ cho phép mở ra các chiến lược điều trị mới.

Theo Conversation.com

comment Bình luận

largeer