Sau khi trẻ ra đời, rốn liệu có phải là bộ phận "vô tích sự" nhất cơ thể

Khi còn là thai nhi, dây rốn giúp đưa dưỡng chất từ cơ thể mẹ sang bé. Nhưng sau khi chào đời, rốn không còn chức năng này nữa và liệu rằng, nó có phải là bộ phận "vô tích sự" nhất cơ thể hay không?
07/12/2020 11:31

Sự hình thành của dây rốn

Trong thời gian còn trong bụng mẹ, dây rốn có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, là sợi dây truyền chất dinh dưỡng từ mẹ vào cơ thể bé để phát triển. 

Dây rốn kết nối mẹ với cơ thể thai nhi, chứa tế bào gốc nhiều gấp 10 lần so với tủy xương ở người lớn. Thực tế, khi được nuôi dưỡng và bảo vệ tốt, vai trò của dây rốn có thể giúp thai nhi tránh khỏi nhiều tình trạng đe dọa tính mạng như leukemia (bệnh bạch cầu), lymphoma và các rối loạn tủy xương.

Khi người mẹ mang thai được 5 tuần, lúc này dây rốn đang dần được hình thành. Một đầu dây rốn kết nối với bụng của thai nhi, một đầu kia sẽ gắn kết với bánh nhau.

day ron

Dây rốn giúp đưa chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi.

Thực tế, dây rốn còn giúp hình thành bánh nhau và gắn kết với thành tử cung. Nó cho phép các chất dinh dưỡng và oxy vận chuyển từ mẹ sang thai nhi, đồng thời thải các chất thừa và máu thiếu oxy từ thai nhi qua mẹ. Dây rốn còn đảm bảo máu không bị pha trộn, giúp thai nhi sống sót và tăng trưởng cũng như tạo ra hormone hCG giúp duy trì một thai kỳ khỏe mạnh. 

Trong cuốn "Bí mật cơ thể người" đã mô tả: "Dây rốn là sợi dây dài có hình dạng giống như cây đũa, là đầu mối liên lạc duy nhất giữa người mẹ và thai nhi. Bên trong dây rốn có hai động mạch rốn và một tĩnh mạch rốn. Nó giống như ba chiếc ống mềm, máu được lưu thông trong đó. Động mạch rốn vận chuyển chất dinh dưỡng trong máu của người mẹ cho thai nhi, đồng thời đem những chất thải thai nhi bài tiết ra qua đường tĩnh mạch trở lại cơ thể người mẹ và được người mẹ thải ra ngoài".  

Sau khi ra đời, bé được cắt dây rốn và bắt đầu cuộc sống mới, thích nghi với môi trường ngoài bụng mẹ. cuống rốn sẽ teo dần lại và rụng đi. Lúc này chức năng truyền dẫn chất dinh dưỡng không còn, rốn hình thành, chính là vết sẹo do cắt dây rốn để lại.

Tùy từng người mà rốn có những hình dạng khác nhau. Có người rốn lồi, nhưng cũng có người rốn hõm lại. Bộ phận này dường như bị cho là  "vô tích sự" nhưng thực tế lại chứa nhiều điều thú vị mà ít ai biết được.

Tác dụng của rốn

Dưới góc độ giải phẫu học, rốn là một vết sẹo lõm hình khuyên được hình thành trước bụng sau khi dây rốn của trẻ sơ sinh rụng đi. Đây là vùng không có lớp mỡ dưới da, chỉ là lớp biểu bì mỏng và có mô liên kết dày đặc, phần trung tâm có hình dạng như vết sẹo lồi.

ron

Theo Đông y, rốn là huyệt đạo quan trọng của cơ thể con người.

Mô liên kết của rốn là một phần mô liên kết trong bụng, trực tiếp nối liền với phần da phía ngoài và phúc mạc. Phía dưới rốn có động mạch, tĩnh mạch và mạng lưới mao mạch dồi dào. Vì phần da vùng rốn và phúc mạc có liên quan chặt chẽ đến nhau, nên nếu tác động một cách thô bạo dễ dẫn tới đau bụng, cũng dễ bị nhiễm trùng nếu có các vật sắc nhọn châm vào. Và nếu để bị lạnh sẽ ảnh hưởng tới tuần hoàn máu gây ra cách loại bệnh như đau bụng, tiêu chảy…

Theo Đông y, rốn là được xem là một trong những huyệt đạo của cơ thể người. Đây là huyệt duy nhất mà chúng ta có thể sờ thấy được. Huyệt này có tên gọi Thần Khuyết hay Khí Hợp, Khí Xá, Tề Trung.

Huyệt này liên hệ mật thiết với lục phủ ngũ tạng, 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch nên còn được gọi là huyệt Khí Hợp. Do đó có thể dùng rốn để điều hòa âm dương, ôn tỳ bổ thận, bồi bổ nguyên khí, đạt đến hiệu quả phòng bệnh và chữa bệnh.

Rốn là bộ phận không được châm mà chỉ được cứu và chườm nóng. Kết quả nghiên cứu lâm sàng hiện đại của Tây y đã chứng thực tính khoa học của phương pháp đắp rốn. Các thông báo khoa học những năm gần đây cho thấy, đắp thuốc lên rốn có khả năng tăng cường miễn dịch, chống lão suy, chống dị ứng, điều tiết chức năng của thần kinh thực vật, cải thiện vi tuần hoàn, …

Còn Đông y, theo ghi chép trong cuốn "Châm cứu chính tông", huyệt Thần Khuyết trị bụng và quanh rốn đau, bệnh hệ sinh dục ngoài, bệnh về kinh nguyệt, viêm ruột cấp và mãn, kích ngất vì ruột dính, trúng phong thể thoát, tay chân lạnh toát, bất tỉnh, bệnh thuộc hư hàn, chân dương hư (cứu có tác dụng hồi dương).

Như vây, tưởng chừng như là bộ phận "vô tích sự" nhất cơ thể nhưng thực chất, rốn là một bộ phận quan trọng không thể thiếu đối với con người và chứa đựng những ý nghĩa y học quan trọng.

Thùy Dương (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer