Singapore thử nghiệm kích thích điện cực giúp người liệt tủy lấy lại cảm giác

Nhóm nhà khoa học Singapore phát triển thành công cầu nối kỹ thuật số, giúp bệnh nhân liệt lấy lại cảm giác và cải thiện vận động
18/07/2025 15:42

Những liệu pháp phục hồi đầy hứa hẹn

Ông Reuben T. Sreetharan, 53 tuổi, doanh nhân bị liệt nửa thân dưới sau một cú ngã năm 2024, là minh chứng rõ rệt cho hy vọng về việc hồi phục. Chấn thương làm tổn thương tủy sống vùng lưng giữa, buộc ông nằm viện 5 tháng và mất khả năng đi lại.

Tháng 11/2024, tại Bệnh viện Alexandra (Singapore), ông Sreetharan trở thành một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm liệu pháp ARC-EX, loại thiết bị kích thích điện cực không xâm lấn kết hợp khung xương ngoài. Sau 32 buổi trị liệu, trong đó có 16 buổi dùng kích điện, ông bắt đầu cảm nhận lại những vùng mất cảm giác trước đây như bàn chân, cơ gân kheo và vùng mông. Kết quả ban đầu cho thấy việc thử nghiệm phương pháp mới rất khả quan.

Theo Tiến sĩ Gobinathan Chandran, Trợ lý Giáo sư Lâm sàng kiêm chuyên gia phục hồi chức năng, 72% trong 60 bệnh nhân tham gia thử nghiệm ARC-EX đã cải thiện rõ rệt sức mạnh và khả năng vận động. Báo cáo đăng trên Nature Medicine (Anh) vào năm 2024 cũng cho thấy các bệnh nhân liệt hoặc tổn thương tủy sống từ 6 tháng đến 5 năm đã có thể đi được nhiều bước hơn, di chuyển nhanh hơn nhờ robot hỗ trợ.

Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia (NNI), Bệnh viện Tan Tock Seng và A*Star đang tiến hành thử nghiệm Restores. Các nhà khoa học đã cấy ghép điện cực ngoài màng cứng gần tủy sống cho ba bệnh nhân để kích thích hồi phục. Giai đoạn đầu đã hoàn thành, dự kiến mở rộng lên 15 bệnh nhân từ năm 2025.

liet-tuy01

Ông Reuben T. Sreetharan, người bị chấn thương tủy sống ở giữa lưng vào năm 2024, là người tham gia đầu tiên trong thử nghiệm kích thích điện cực (Ảnh: minh họa)

Tương lai điều trị liệt tuỷ

Thành công của các liệu pháp phục hồi tiên tiến đang mở ra hy vọng mới cho người bị tổn thương tủy sống do té ngã. Đây là tình trạng y tế nghiêm trọng với hơn 100 ca mới mỗi năm được ghi nhận tại Viện Khoa học Thần kinh Quốc gia (NNI) và Bệnh viện Tan Tock Seng (TTSH). Ngoài ra, các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Đại học Quốc gia (NUHS) cũng tiếp nhận khoảng 35 ca điều trị nội trú mỗi năm.

liet-tuy02

Tổn thương tuỷ sống do té ngã là một tình trạng y tế nghiêm trọng, được ghi nhận với hơn 100 ca mới mỗi năm tại Singapore (Ảnh: minh họa)

Singapore là quốc gia đầu tiên tại châu Á triển khai thử nghiệm công nghệ kích thích điện không xâm lấn ARC-EX của ONWARD Medical. Ban đầu, nghiên cứu tập trung vào nhóm bệnh nhân tổn thương chi dưới. Mới đây, Bệnh viện Alexandra đã được phê duyệt mở rộng thử nghiệm sang 16 bệnh nhân bị tổn thương chức năng chi trên, mở ra cơ hội phục hồi toàn diện hơn cho người bị liệt.

liet-tuy03

Thiết bị kích thích điện không xâm lấn (Ảnh: minh họa)

Theo Tiến sĩ Gobinathan Chandran, bước tiến này không chỉ giúp bệnh nhân đi lại mà còn cải thiện khả năng tự di chuyển, kiểm soát cơ thể và khôi phục chuyển động tay, vai – những vùng đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt độc lập. Đây chính là chìa khóa nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bị liệt.

Dù hành trình phục hồi còn nhiều thách thức, sự kết hợp giữa công nghệ thần kinh, vật lý trị liệu và thiết bị hỗ trợ hiện đại đang mở ra kỷ nguyên mới trong điều trị liệt tủy. Những phương pháp từng chỉ tồn tại trong nghiên cứu giờ đây đã tiến gần hơn tới thực tiễn, mang lại cơ hội thay đổi cuộc đời cho những người từng bị coi là vô vọng.

Ông Sreetharan, một trong những bệnh nhân đầu tiên tham gia thử nghiệm, chia sẻ: “Tôi vẫn chưa bỏ cuộc. Tôi nghĩ đó là điều giúp tôi tiếp tục cố gắng.”

Thanh Trúc (Dịch)

comment Bình luận