Bé trai 11 tuổi khỏi bệnh tan máu nhờ ghép tủy từ chị gái

Thừa Thiên Huế – Sau gần 10 năm phải truyền máu định kỳ do mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), bệnh nhi Nguyễn Chánh Gia Bảo (11 tuổi) đã hồi phục sau ca ghép tủy thành công từ chị gái hiến tặng.
25/06/2025 22:34

Gia Bảo được chẩn đoán mắc thalassemia, đây là nhóm bệnh huyết sắc tố di truyền, khiến cơ thể không tự sản sinh đủ hồng cầu, buộc bệnh nhân phải truyền máu và thải sắt định kỳ. Gần một thập kỷ qua, em phải vào viện mỗi tháng 1–2 lần để truyền máu, mỗi lần kéo dài khoảng 4 tiếng. Dù chi phí truyền máu được bảo hiểm chi trả, gia đình vẫn phải tự lo phần lớn tiền thuốc và chi phí điều trị, trung bình khoảng 8–10 triệu đồng mỗi tháng.

z6739600967477_f80ffed6d70bc4fe222c5363ef381eb1

Gia Bảo điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp

Gia đình em thuộc diện khó khăn. Bố làm thợ sơn với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng, mẹ là nội trợ. Trong suốt quá trình điều trị cho con, chị Cái Thị Vân (41 tuổi, mẹ bé Bảo) phải vay mượn, tiết kiệm từng đồng, nhiều lần ăn mì sống qua ngày để dành tiền chữa bệnh cho con.

“Từ khi phát hiện bệnh, con tôi sống nhờ máu người khác. Mong muốn lớn nhất là cháu có thể được điều trị dứt điểm, không phải gắn bó cả đời với bệnh viện”, chị Vân chia sẻ.

Các bác sĩ cho biết, phương pháp duy nhất giúp điều trị khỏi thalassemia là ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, chi phí cho một ca ghép dao động khoảng 500 triệu đồng, trong đó nhiều khoản không được bảo hiểm y tế chi trả, như tiền phòng cách ly vô trùng.

May mắn thay, nhờ sự hỗ trợ tài chính từ chương trình “Mặt trời Hy vọng” (Quỹ Hy vọng – VnExpress), Bảo được chỉ định ghép tế bào gốc từ chị gái ruột là Nguyễn Thị Bảo Ngọc (18 tuổi). Kết quả xét nghiệm cho thấy tủy của hai chị em tương thích. Ca ghép được thực hiện tại Bệnh viện Trung ương Huế.

z6739606367901_2b0d326efa9febc8441ea937eaafe058

Hai chị em Bảo và Ngọc tại bệnh viện. Ảnh: Gia đình cung cấp

Sau ghép, bệnh nhi gặp một số phản ứng phụ như sốc thuốc, rụng tóc, thay đổi nội tiết. Tuy nhiên, các bác sĩ đã xử lý kịp thời. Đến cuối tháng 4, Bảo được xuất viện, sức khỏe ổn định. Em tiếp tục được theo dõi sát sao trong 6–12 tháng tới để đánh giá khả năng phục hồi hoàn toàn.

Trước khi ghép tủy, dù thường xuyên mệt mỏi, Bảo vẫn cố gắng học tập và duy trì thành tích khá giỏi suốt các năm tiểu học. Chỉ đến lớp 5, do tình trạng bệnh chuyển nặng, em phải tạm nghỉ học để tập trung điều trị.

Tại Việt Nam hiện có khoảng hơn 12 triệu người mang gene bệnh thalassemia. Đây là căn bệnh di truyền nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, kinh tế gia đình và chất lượng dân số. Trung bình, chi phí điều trị cho một bệnh nhân từ sơ sinh đến 30 tuổi vào khoảng 3 tỷ đồng. Ước tính mỗi năm cả nước cần hơn 2.000 tỷ đồng và 500.000 đơn vị máu để điều trị cho nhóm bệnh nhân này.

Các chuyên gia khuyến cáo, cần đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc tiền hôn nhân và tiền thai sản để phát hiện gene bệnh, từ đó đưa ra quyết định sinh sản phù hợp. Nếu cả hai vợ chồng đều mang gene bệnh, khả năng con sinh ra bị bệnh nặng chiếm 25%, 50% mang gene bệnh và chỉ 25% trẻ khỏe mạnh.

Ánh Tuyết

comment Bình luận