Sự thật về 'Ăn ít vẫn mập - Ăn nhiều vẫn gầy'

Cuộc sống vẫn thường gặp những câu đùa vui than thở kiểu như “Tôi có hít không khí thôi cũng mập, còn cô kia ăn quá nhiều sao vẫn gầy” hay “Mập thế này chắc chắn là bị đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ”. Vậy thực hư chuyện này ra sao?
25/01/2023 09:04

Trước tiên, chúng ta cần có một định nghĩa đúng về mập (hay còn gọi là béo phì). Thể trạng của một người trưởng thành hiện nay thường được đánh giá qua chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Bạn sẽ biết mình ở mức độ nào qua bảng đánh giá sau:

Cơ chế của sự tăng cân là do nạp calo nhiều hơn mức năng lượng cần tiêu thụ, lượng calo dư thừa sẽ được chuyển sang dạng tích trữ là mô mỡ. Từ bảng đánh giá trên, nếu bạn đã rơi vào ô thừa cân, mặc dù cảm thấy mình ăn ít nhưng cân nặng vẫn không có biến chuyển hay thậm chí còn lên cân, thì có thể bạn đã mắc phải một trong những vấn đề sau đây.

Empty

Vấn đề về tâm lý

Nhiều loại thức ăn có chứa hàm lượng calories khá cao dù là với lượng ít như bơ đậu phộng (2 muỗng canh = 191 kcal), nho khô (42 g = 129 kcal), bánh quy (2 chiếc bánh = 150 kcal) hay chỉ 1 ly trà sữa đã cung cấp 450 kcal, trong khi đó 1 chén cơm bình thường cung cấp khoảng 170 kcal. Vì thế nên bạn nghĩ bạn ăn ít nhưng thực ra không ít đâu!

Nhiều người nghĩ rằng ăn cơm sẽ làm mình mập hơn nên đã giảm cơm hay thậm chí không ăn mà thay vào các thực phẩm khác, như bún, phở, miến... nhưng thực tế năng lượng chúng cung cấp là gần tương đương nhau. Hay ăn ít trong các bữa chính nhưng lại ăn vặt nhiều trong ngày khiến họ lầm tưởng về khối lượng thực phẩm mình đã ăn. Vì thế nên bạn nghĩ bạn ăn ít nhưng thực ra không ít đâu!

Nhưng cũng có nhiều trường hợp các bạn thực sự ăn ít, ăn rất ít, nghĩ rằng ăn ít sẽ ốm. Nhưng đó là điều bạn nghĩ, nó không phải là cơ chế mà cơ thể hoạt động. Khi bạn ăn ít cơ thể sẽ giảm các hoạt động trao đổi chất và tích trữ năng lượng để duy trì sự sống, nên cơ thể sẽ càng tích mỡ nhiều hơn. Và điều này cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe sinh lý của bạn, nhất là với nữ giới.

Vấn đề về bệnh lý

Căng thẳng – stress cũng là kẻ thù của cân nặng. Khi bạn lo lắng, suy nghĩ quá mức, cơ thể sẽ có đáp ứng để thích nghi bằng việc tiết ra một loại hormon là cortisol nhằm giảm bớt các tác dụng tiêu cực lên cơ thể. Nhưng vô tình, hormon này gây tái phân bố mỡ từ cơ xương đến trung tâm, gây tích tụ nhiều ở mặt, ngực và nhất là bụng. Và đây cũng là cơ chế làm mập lên nếu bạn sử dụng glucocorticoid ngoại sinh kéo dài.

Một tình trạng bệnh lý hay gặp hiện nay cũng ảnh hưởng đến cân nặng đó là bệnh lý về tuyến giáp. Tuyến giáp nằm ở vùng cổ có chức năng bài tiết hormon cho cơ thể. Hoocmon tuyến giáp có tác dụng trên cân nặng do kích thích quá trình dị hóa – tiêu hao năng lượng trên toàn cơ thể, do đó, tình trạng suy giảm sẽ làm suy giảm chức năng này nên dù bạn ăn ít cân nặng của bạn vẫn ngày càng tăng.

Như đã nói trên đây là một tình trạng bệnh lý, bạn nên đến với bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Các giải pháp để có được cân nặng như mong muốn

Không nên ăn quá no hoặc để mình quá đói, và tuyệt đối là không bỏ bữa, nhịn đói nhất là buổi sáng, nên ăn đúng giờ đúng bữa hàng ngày, hạn chế ăn vặt bánh kẹo, trái cây giữa bữa và không nên ăn sau 8 giờ tối để tránh các bệnh lý về dạ dày thực quản ảnh hưởng đến sức khỏe. Một lối sống lành mạnh, không nên thức khuya, ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, giữ tinh thần thoải mái nhất, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức cũng là điều cần thiết để có được cân nặng như ý.

Tập ăn cân bằng có đầy đủ đạm, béo, đường, tinh bột. Nên ăn các thực phẩm tươi sống và chế biến trong ngày, hạn chế ăn thực phẩm đóng gói, đồ hộp vì chúng thường chứa hàm lưỡng calo rất cao. Không nên ăn theo lời chỉ dẫn của người không có chuyên môn và chỉ làm theo kinh nghiệm. Nên tuân theo chế độ ăn của chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo giảm cân an toàn, đúng cách.

Nên có một chế độ tập luyện song song với chế độ ăn hợp lý góp phần giúp tiêu hao năng lượng cho người mập, giúp kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên việc tập luyện cũng nên vừa sức với mỗi người và tăng dần theo khả năng.

“Ăn nhiều vẫn gầy” và nguyên nhân thực sự phía sau

Khái niệm thiếu cân

Trước tiên ta cần có một định nghĩa đúng về gầy (thiếu cân) là như thế nào? Thể trạng của một người trưởng thành hiện nay thường được đánh giá qua chỉ số khối lượng cơ thể BMI (Body Mass Index), được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m). Bạn sẽ biết mình ở mức độ nào qua bảng đánh giá sau:Nguyên nhân khiến nhiều người cho rằng mình ăn nhiều mà vẫn gầy đến từ thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học hay cũng có thể đến từ tình trạng bệnh lý, chúng ta hãy cùng tìm hiểu bạn đang mắc phải vấn đề nào sau đây:

Thói quen ăn uống

Nhiều người nghĩ rằng, ăn nhiều thực phẩm có nhiều đồ béo ngọt sẽ khiến mình tăng cân. Việc ăn như thế sẽ khiến bạn thừa tinh bột và chất béo mà lại thiếu dinh dưỡng từ đạm, các loại vitamin, khoáng chất, trong đó chất đạm chính là nguyên liệu để xây dựng nên các bó cơ giúp bạn tăng cân lành mạnh.

Ăn quá nhiều trong một bữa ăn làm cho hệ tiêu hóa của bạn làm việc quá tải, vì thế cũng không hấp thu tốt chất dinh dưỡng vào cơ thể. Việc ăn uống thất thường lúc sớm lúc muộn cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc tiết acid của dạ dày, vì thế cũng làm việc hấp thu thức ăn khó khăn hơn.

Nhiều người vẫn nghĩ rằng ăn khuya sẽ giúp mình nhanh mập lên, điều này hoàn toàn sai, thời gian ban đêm là lúc cho các hệ cơ quan được nghỉ ngơi, cả hệ tiêu hóa cũng vậy, bạn bắt nó làm việc vào thời gian này thì nó không thể nào làm tốt nhiệm vụ được, không những thế còn tăng nguy cơ mắc các bệnh về đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày, thực quản...

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Thói quen sinh hoạt

Bạn có thể thấy một em bé mới sinh dành phần lớn thời gian để ngủ và ngủ, vì sự lớn lên, tăng trưởng của chúng diễn ra trong giấc ngủ. Một người thường hay thức khuya, ngủ không đủ giấc rất khó để tăng cân, vì thời gian ngủ là thời gian để cơ thể được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng, phục hồi sức lực sau một ngày làm việc, nếu không được hồi phục, hệ tiêu hóa của bạn cũng không thể có được trạng thái tốt nhất để dung nạp thức ăn.

Những người gầy thường nghĩ mình không có nhu cầu luyện tập thể dục thể thao để giảm cân, nhưng đây là những suy nghĩ nhầm lẫn tai hại. Thói quen luyện tập thể dục thường xuyên ngoài việc tăng cường sức khỏe và tăng sự dẻo dai còn giúp tăng cường trao đổi chất bên trong cơ thể. Quá trình trao đổi chất tốt sẽ là yếu tố quyết định cân nặng của bạn.

Hiện nay vấn đề an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát tốt, hàng ngày chúng ta có thể tiếp nhận độc tố từ thức ăn, nước uống hay qua không khí hít thở hàng ngày. Việc không được đào thải và tích lũy lâu ngày khiến cơ thể khó hấp thu dinh dưỡng tốt được, vì thế có ăn nhiều thế nào cũng không tăng cân được.

Vấn đề bệnh lý

Bệnh lý ngay tại đường tiêu hóa như tình trạng thiếu hụt lợi khuẩn trong đường ruột nên không hấp thu được chất dinh dưỡng từ thức ăn đưa vào cũng khiến bạn ăn hoài không lên ký được. Tình trạng bệnh lý cường giáp làm tăng quá trình chuyển hóa trong cơ thể bạn, khiến năng lượng đều bị tiêu hao hết nên ăn nhiều mà vẫn bị sụt cân.

Nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán cũng là một trong những lý do khiến bạn không thể mập lên, vì năng lượng hay chất dinh dưỡng đã bị lấy đi một phần từ những sinh vật này.

Như đã nói đây là tình trạng bệnh lý, bạn nên đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị thích hợp.

Ngoài ra, còn một vấn đề mà nhiều người vẫn thường gọi là cơ địa. Mỗi người đều có một mức chuyển hóa năng lượng cơ bản để duy trì sự sống như hít thở, tim đập khác nhau, những người hoạt bát, năng động, khó ngồi yên một chỗ thường có mức chuyển hóa năng lượng cơ bản cao hơn, vì thế lượng thức ăn nạp vào dù nhiều nhưng vẫn không có dư để đưa vào tích trữ được!

Các giải pháp để có được cân nặng như mong muốn

Tuyệt đối, không bỏ bữa, nhịn đói, nhất là buổi sáng. Hàng ngày nên ăn đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ, hạn chế ăn vặt giữa buổi và không nên ăn sau 8 giờ tố; nên uống đủ nước, trung bình mỗi người cần 40ml/kg cân nặng của mình mỗi ngày.

Bạn nên có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối giữa 4 nhóm chất trong mỗi bữa ăn: chất béo, chất đạm, tinh bột, chất xơ; nên ăn nhiều các loại rau củ quả.

Tập luyện thể dục thể thao là điều cần thiết cho người gầy, để có một thể chất tốt, một cơ thể khỏe mạnh giúp chuyển hóa tốt cho người gầy và giúp tiêu hóa năng lượng cho người mập. Tuy nhiên, đối với người gầy thì việc tập luyện chỉ nên vừa phải, để tránh gây phản tác dụng.

Một lối sống lành mạnh, không nên thức khuya, ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày, giữ tinh thần thoải mái nhất, tránh căng thẳng, lo lắng quá mức cũng là điều cần thiết để có được cân nặng như ý.

Hy vọng từ những gì đã chia sẻ ở trên, các bạn sẽ biết cách vượt qua các bữa ăn ngày Tết mà vẫn kiểm soát cân nặng.

Ths.BS. Nguyễn Hữu Đức Minh

comment Bình luận

largeer