Trẻ béo phì và thừa cân có trí não kém phát triển hơn bạn cùng trang lứa

Các nhà khoa học Mỹ cho biết, cân nặng và chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn có thể ảnh hưởng hoạt động của các khu vực kết nối chính trong não, làm giảm mức độ tập trung, chú ý cũng như khả năng xử lý nhiều nhiệm vụ khác của trẻ.
19/01/2023 17:56

Nhóm chuyên gia tại Trường Y thuộc Đại học Yale ở Connecticut đưa ra cảnh báo trên sau khi phân tích dữ liệu hình ảnh não bộ của 5.169 trẻ em từ 9 đến 10 tuổi. Họ đặc biệt xem xét khả năng kết nối giữa các khu vực thần kinh và lượng chất trắng hiện diện trong não, yếu tố quan trọng chi phối sự giao tiếp giữa các vùng khác nhau trong não. Kết quả này sau đó được so sánh với chỉ số z-score BMI, thước đo cân nặng được điều chỉnh theo độ tuổi và giới tính của trẻ.

Phân tích cho thấy có nhiều thay đổi về cấu trúc trong não ở những trẻ có cân nặng và chỉ số BMI cao hơn, bao gồm “sự suy giảm đáng kể” ở lượng chất trắng. Một số khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm chất trắng của thể chai - một cụm gồm hơn 200 triệu sợi thần kinh kết nối hai bên cầu não.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các nhà khoa học còn phát hiện ở những trẻ thừa cân hoặc béo phì, lớp ngoài của não cũng mỏng hơn khiến chức năng điều hành bị suy giảm, bao gồm khả năng lập kế hoạch, tập trung chú ý, ghi nhớ và thực hiện nhiều nhiệm vụ.

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chỉ số z-score và cân nặng BMI cao hơn ở trẻ 9 và 10 tuổi có liên quan đến những thay đổi về cấu trúc vĩ mô, cấu trúc vi mô và kết nối chức năng làm suy giảm sức khỏe não bộ” - tác giả chính của nghiên cứu, Phó Giáo sư Sam Payabvash, kết luận.

Một số nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng trẻ thừa cân hoặc béo phì có kết quả học tập hoặc trí nhớ ngắn hạn kém hơn bạn đồng trang lứa, nhưng đây là nghiên cứu qui mô lớn đầu tiên đánh giá mối liên hệ giữa thể trạng và sự phát triển trí não của trẻ em ở nhiều khía cạnh cùng lúc.

Theo Daily Mail

comment Bình luận

largeer