Suy kiệt sức khỏe vì làm việc quá sức

Theo các chuyên gia sức khỏe, làm việc quá sức nên được nhìn nhận là một bệnh mãn tính, bởi về lâu dài nó có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, mỡ trong máu cao, tiểu đường và thậm chí là tử vong vì đau tim hoặc đột quỵ. Vậy làm thế nào để nhận biết tình trạng làm việc quá sức?
14/07/2022 15:27

Theo Tiến sĩ Adam Borland - chuyên gia tâm lý tại Viện Mayo (Mỹ), làm việc nhiều giờ khiến cơ thể tiết ra quá nhiều hormone gây căng thẳng tinh thần (stress), tình trạng có thể dẫn đến chứng sương mù não, huyết áp cao và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Song theo Tiến sĩ Lim, những rủi ro sức khỏe do làm việc quá sức không xảy ra đột ngột mà nó được tích tụ qua nhiều năm. Vì vậy, ngăn ngừa nguy cơ làm việc quá sức trở thành “bệnh mãn tính” có thể giúp giảm các biến chứng sức khỏe về lâu dài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Một số dấu hiệu điển hình ở người đang làm việc quá sức:

Thường xuyên thiếu ngủ

Ngủ đủ giấc (ít nhất 7 tiếng/đêm) không chỉ giúp tăng cường sự tỉnh táo và hiệu quả làm việc, mà còn giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh như tim mạch và tiểu đường tuýp 2. Người làm việc quá sức thường lâm vào tình trạng thiếu ngủ.

Lời khuyên: Người làm việc tại nhà cần phân định giữa thời gian “công sở” và “ở nhà” để não bộ có thể bật chế độ “ngừng tập trung” đúng lúc. Một số thói quen đơn giản có thể giúp bạn dễ dàng chuyển từ chế độ “làm việc” sang “ở nhà” gồm: Tháo kính, thay quần áo ở nhà hoặc đi dạo một vòng. Khi hoàn thành công việc, hãy rời khỏi bàn làm việc và tắt tất cả thiết bị phục vụ công việc. 

Bắt đầu uống rượu nhiều hơn

Để thư giãn đầu óc, nhiều người có xu hướng tìm đến thú vui uống rượu. Các nhà nghiên cứu phát hiện làm việc hơn 40 giờ/tuần làm tăng khả năng uống một lượng rượu gây hại cho sức khỏe, ít nhất 14 ly/tuần đối với nữ và 21 ly/tuần đối với nam.

Lời khuyên: Khi nhận thấy bản thân bắt đầu uống nhiều rượu, tốt nhất là bạn không trữ thức uống chứa cồn ở nhà để tránh nguy cơ “say xỉn”. Nếu buộc phải tham dự một tiệc rượu, hãy cố gắng uống chậm nhất có thể hoặc uống xen kẽ với nước lọc.

Sức khỏe tim, não suy giảm

Những hormone gây stress mà cơ thể tiết ra khi chúng ta làm việc quá sức có thể ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu, cũng như sức khỏe tim và não. Theo một nghiên cứu tiến hành trên 600.000 người lao động, người làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn 23% và nguy cơ đột quỵ tăng thêm 33%.

Lời khuyên: Cần thiết lập thói quen vận động (tốt nhất là các bài tập aerobic làm tăng nhịp tim) để kiểm soát mức độ stress. Theo Viện Mayo, tập thể dục giúp tăng hoóc-môn tạo cảm giác vui vẻ cho não endorphin, trong khi làm giảm hormone gây stress cortisol.

Hệ miễn dịch suy yếu

Việc thường xuyên tiếp xúc với cortisol có thể tổn hại hệ miễn dịch của cơ thể, nghĩa là làm giảm khả năng chống lại các bệnh do nhiễm trùng thông thường.

Lời khuyên: Nhớ thực hiện quy tắc 20-20-20, tức là cứ 20 phút tập trung làm việc thì tạm ngưng và dành 20 giây nhìn vào vật gì đó cách xa 20 feet (khoảng 6m).

Hệ tiêu hóa “xuống cấp”

Khi quá chú tâm làm việc, nhiều người thường bỏ bữa hoặc quên cả ăn uống. Trong khi đó, việc bỏ bữa và ăn uống không đúng giờ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề tiêu hóa hiện có và tạo ra vấn đề mới như buồn nôn và đầy hơi.

Lời khuyên: Cần tuân thủ thời gian biểu ăn uống để đảm bảo cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và nạp lại năng lượng.

Đau cơ

Ngồi làm việc hàng giờ không tốt cho cơ và khớp, bởi nó khiến các cơ luôn trong tình trạng căng cứng, dẫn đến đau nhức ở vai, cổ và lưng. Bạn cũng có thể phát triển cơn đau đầu nếu các cơ mặt bị ảnh hưởng.

Lời khuyên: Tăng cường vận động cơ thể bất cứ khi nào có thể. Chẳng hạn, bạn có thể thực hiện một vài động tại chỗ đơn giản như vươn vai, hoặc định kỳ đứng dậy và đi một vòng.

Theo Healthline

comment Bình luận

largeer