Tác hại khôn lường khi pha các sản phẩm tẩy rửa gia dụng với nhau

Các chuyên gia sức khỏe Singapore cảnh báo, khi pha trộn các sản phẩm tẩy rửa gia dụng với nhau không đúng cách, một số hóa chất nhất định trong các sản phẩm tẩy rửa gia dụng có thể gây hại cho người sử dụng.
17/08/2022 15:00

Cẩn trọng khi dùng thuốc tẩy

Thuốc tẩy là thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm tẩy rửa gia dụng. Bà Tan Mui Hua - chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Khoa học Singapore cho biết, thuốc tẩy thường được mô tả là “natri hypoclorit” hoặc “chất tẩy trắng gốc clo” trên nhãn của các sản phẩm tẩy rửa, đặc biệt là nước tẩy bồn cầu và nước giặt quần áo. Ngoài làm sạch bề mặt, thuốc tẩy còn có thể khử màu các vết bẩn bằng cách oxy hóa các hợp chất tạo thành vết bẩn.

Tuy nhiên, Giáo sư Phoon Chee Wee - chuyên gia cao cấp về hóa dược tại Trường Bách khoa Nanyang cho biết, thuốc tẩy có tính ăn mòn, phản ứng và oxy hóa cao, cũng như dễ tạo ra nhiều hóa chất độc hại khi trộn lẫn với nhau. Ví dụ, hơi thuốc tẩy khi hòa lẫn với limonene (hóa chất mang lại mùi cam quýt cho nhiều chất tẩy rửa gia dụng) sẽ tạo thành các phân tử nhỏ gây hại cho sức khỏe của cả người và động vật.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Những cách kết hợp gây hại cho sức khỏe

Thuốc tẩy và ammonia

Khi pha chung, thuốc tẩy sẽ phản ứng với ammonia tạo ra nhiều loại khí chloramine như monochloramine, dichloramine và trichloramine. Tiếp xúc với hàm lượng cao loại khí này có thể gây kích ứng da, mắt và đường thở. Cách kết hợp này cũng tạo ra hóa chất dễ bắt cháy hydrazine, có thể gây kích ứng mắt, mũi, họng và tổn thương cả gan, thận và hệ thần kinh trung ương. Ðược biết, amoniac là thành phần phổ biến trong các sản phẩm làm sạch như chất đánh bóng đồ gỗ, bột thông cống, chất tẩy rửa nhà vệ sinh, nước rửa kính và chất tẩy rửa thép không gỉ.

Thuốc tẩy và nước tiểu, nước rửa bồn cầu

Do thành phần urea trong nước tiểu dễ chuyển hóa thành ammonia, nêu nếu tiếp xúc với thuốc tẩy thì cũng tạo ra khí chloramine. Do đó, mọi người nên xả sạch nước tiểu trước khi sử dụng thuốc tẩy rửa. Tương tự, không nên kết hợp thuốc tẩy với sản phẩm tẩy rửa bồn cầu gốc amoniac vì dễ làm phát sinh khí chloramine.

Thuốc tẩy và chất làm sạch nấm mốc

Các chất tẩy nấm mốc thường chứa axít, nên nếu trộn với thuốc tẩy thì dễ tạo thành khí clo - loại khí độc màu xanh lá có thể gây ra các vấn đề về hô hấp khi hít phải. Do đó, nên dùng chất tẩy nấm mốc trước rồi rửa sạch, sau đó mới sử dụng thuốc tẩy để khử trùng toàn diện.

Thuốc tẩy và chất tẩy rửa nhà bếp

Thành phần axít trong nước tẩy rửa bếp có thể phản ứng với thành phần natri hypoclorit trong thuốc tẩy để tạo ra khí clo. Do vậy, cần đảm bảo rửa hết nước làm sạch bếp trước khi dùng thuốc tẩy, hoặc an toàn hơn là pha hỗn hợp nước với ít bột baking soda để chùi rửa bếp.

Pha thuốc tẩy với dung dịch thiên nhiên có tính axít như giấm và nước cốt chanh

Nguyên do là cách kết hợp này cũng sẽ giải phóng khí clo, ảnh hưởng đến niêm mạc, gây chảy nước mắt, ngăn ngực, cảm giác nóng rát và kích ứng da.

Thuốc tẩy và cồn tẩy rửa

Cách kết hợp này sẽ giải phóng ra chloroform, chất có thể “gây mê” và tổn thương các cơ quan, đồng thời có thể gây kích ứng cho mắt, hệ hô hấp và da. Cồn tẩy rửa - còn được gọi là cồn isopropyl hoặc isopropanol - thường có trong chất tẩy rửa lò nướng và cửa sổ, thuốc xịt khử trùng và khăn giấy ướt.

Giấm và bột baking soda

Cách kết hợp này chủ yếu tạo ra nước, carbon dioxide và natri axetat - những chất vô hại nhưng không có tác dụng làm sạch. Nếu được trữ trong hộp đóng nắp, hỗn hợp này có thể phát nổ do áp suất tích tụ từ việc giải phóng khí carbon dioxide trong một không gian kín.

Giấm và hydrogen peroxide (nước oxy già)

Thành phần hydrogen peroxide có trong chất tẩy rửa đa năng và chất tẩy rửa nhà bếp được coi là chất khử trùng nhẹ nhàng hơn để tẩy trắng. Nhưng sử dụng hydrogen peroxide với giấm có thể dẫn đến sự hình thành axít peracetic ăn mòn, có thể gây kích ứng da, mắt và hệ hô hấp.

Theo New Atlas

comment Bình luận

largeer