Tại Mỹ phát hiện nhiều loại thực phẩm chức năng bổ não chứa chất gây hại

Những loại sản phẩm này được bày bán với những lời quảng cáo là có tác dụng "tăng cường trí thông minh", "cải thiện trí nhớ". Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thì chúng chứa một số chất mà FDA Mỹ chưa kiểm định.
03/10/2020 14:03

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Neurology Clinical Practice của Mỹ, nhiều loại thực phẩm chức năng bổ não trên thị trường có thành phần chưa được phê duyệt. Nghiên cứu này do nhóm tác giả của Trường Harvard Medical, Boston, thực hiện. Đây không phải lần đầu tiên Mỹ phát hiện các chất chưa được kiểm định trong thực phẩm chức năng hay thuốc.

5 sản phẩm chứa chất chưa được kiểm duyệt

Nhóm tác giả dựa trên thông tin đăng ký dược phẩm từ Viện Y tế Quốc gia và Trung tâm Cơ sở Dữ liệu Dược phẩm. Trong 10 chất được đem ra phân tích, 8 loại được quảng cáo là “tăng cường trí thông minh và sức khỏe tinh thần”, “tăng sự dẻo dai”, “hỗ trợ luyện tập”, “cải thiện trí nhớ’…

Tuy nhiên, 5 thực phẩm chức năng trong số trên là loại chưa được phê duyệt. Số khác chứa các chất không đủ điều kiện an toàn như vinpocetine, phenibut và picamilon.

FDA đưa cảnh báo, phụ nữ có thai hoặc trong độ tuổi sinh con tuyệt đối không sử dụng vinpocetine. Tác hại của nó đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, các tác dụng phụ khá nguy hiểm như tăng/giảm huyết áp bất thường, kích động thần kinh…

 
Supplements_APStock05088017

5 thực phẩm chức năng đang lưu hành trên thị trường tại Mỹ chứa các chất không được FDA phê duyệt và kiểm định chất lượng. Ảnh: Freepik.

Ngoài ra, tiến sĩ Pieter A. Cohen (Trường Harvard Medical, Boston, Mỹ) cảnh báo nhiều loại thực phẩm chức năng khác trên thị trường không đề cập thành phần trên nhãn. Khi kiểm tra, nhóm nghiên cứu nhận thấy liều lượng chất không được FDA phê duyệt trong đó cao gấp 4 lần thông thường.

Ông Pieter chia sẻ: “Các chất bổ trợ trí tuệ không kê đơn khá phổ biến vì hứa hẹn tác dụng giúp đầu óc minh mẫn hơn. Tuy nhiên, đây chính là kẽ hở bởi chúng không được quản lý chặt chẽ như các dược phẩm khác. Nó tiềm ẩn nguy hại tới sức khỏe”.

Theo chuyên gia này, các thực phẩm chức năng bổ não nói trên có thể gây rủi ro đặc biệt nghiêm trọng nếu sử dụng sai liều lượng hoặc kết hợp nhầm các chất với nhau.

Nhóm còn phát hiện liều lượng thành phần trên nhãn so với thực tế không chính xác. Nghiên cứu trên làm dấy lên lo ngại về chất lượng và cách quản lý của các cơ quan chức năng về dược phẩm tại Mỹ.

Tại Mỹ, các dược phẩm chưa được phê duyệt vào thực phẩm chức năng là điều cấm. Chính vì thế, Pieter lên tiếng chỉ trích FDA vì kiểm soát không chặt chẽ, để các thực phẩm chức năng tiềm ẩn nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng lưu hành trên thị trường.

Trước chỉ trích này, FDA khẳng định họ sẽ đứng về phía người tiêu dùng và xử lý nghiêm các công ty có hành vi sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng sai quy định. Cơ quan này cũng cảnh báo người dân cần cẩn trọng và kiểm tra kỹ các thành phần trong các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng có trên thị trường.

Chất kích thích có trong thực phẩm chức năng

Năm 2016, tiến sĩ Pieter A. Cohen phát hiện chất kích thích (doping) bị cấm sử dụng trong các cuộc thi đấu thể thao quốc tế trong 14 thực phẩm chức năng. Điều đáng nói, những sản phẩm này đều dễ dàng mua được trên thị trường. TS Pieter khẳng định nhóm thành phần này thực chất là ma túy tổng hợp.

Theo Statnews, các chất này thường được biết đến với các tên gọi như methylsynephrine, oxilofrine, và p-hydroxyephedrine. Nó được phát triển ở châu Âu nhưng không được Mỹ chấp thuận như một thành phần hợp lệ có trong thuốc hay thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, nó khá phổ biến trong các sản phẩm hỗ trợ giảm cân, nâng cao hiệu suất tập luyện.

 
f5de8470_fd60_11ea_be69_4545de4ac2a4_800_420

Tình trạng thuốc, thực phẩm chức năng chứa chất chưa được phê duyệt vẫn tồn tại ở Mỹ. Ảnh: Statnews.

Năm 2016, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cảnh cáo 7 công ty tiêu thụ các sản phẩm chứa methylsynephrine. Đồng thời, cơ quan này yêu cầu tất cả doanh nghiệp trên thị trường dừng bán các sản phẩm chứa chất nói trên.

Theo phát ngôn viên của FDA, methylsynephrine gây 47 tác dụng phụ, tuy nhiên, họ từ chối cung cấp thông tin chi tiết. TS Pieter và nhóm của mình đã phát hiện methylsynephrine gây buồn nôn, kích động, nhịp tim nhanh, đau ngực, thậm chí ngừng tim.

Trong bài báo công bố trên tạp chí Drug Testing and Analysis năm 2016, nhóm nghiên cứu của TS Pieter phát hiện 27 nhãn hiệu thực phẩm chức năng chứa methylsynephrine.

Năm 2015, các tác giả cũng phát hiện 2 thành phần trong thuốc được kê đơn để điều trị đột quỵ có chứa tác dụng phụ. Đó là vinpocetine hoặc picamilon. Chúng thường được sử dụng ở Nga, Trung Quốc. Tuy nhiên, tại Mỹ, đây là hai chất chưa được FDA phê duyệt.

Dù vậy, tại Mỹ, các thực phẩm chức năng chứa 2 thành phần trên vẫn được bày bán trên thị trường với lời quảng cáo là “thuốc tăng cường trí nhớ”, “chất hỗ trợ tăng cơ" hoặc "hỗ trợ giảm cân"...

Theo Zing News

comment Bình luận

largeer