Tại sao ngồi lâu bị tê chân?

Có những phản ứng hay xảy ra của cơ thể nhưng chúng ta lại chưa hiểu hết được nguyên nhân sâu xa, ví dụ như cảm giác tê chân tay.
19/10/2020 10:23

"Tại sao ngồi lâu khi đứng lên có cảm giác tê chân? Đây có phải triệu chứng của bệnh xương khớp không?" (Nguyễn Văn Mạnh, 54 tuổi, Lạng Sơn)

Triệu chứng ban đầu của tê chân được mô tả là tê rần ở đầu ngón tay hay ngón chân, người bệnh cảm thấy như có kim chích hay như bị kiến cắn. Những triệu chứng này có thể càng ngày càng nặng và lan lên cổ tay, cánh tay... khiến người bệnh giảm cảm giác, thậm chí là mất cảm giác.

te chan

Hình minh họa.

Hiện nay, tê bì chân tay được chia làm 2 loại:

Tê bì chân tay sinh lý: xảy ra khi ngồi lâu hoặc cầm nắm vật gì đó trong một thời gian dài dẫn đến tê bì tay chân. Đối với loại này, triệu chứng tê bì chân tay sẽ tự biến mất mà không cần điều trị.
Tê bì chân tay bệnh lý: đây có thể là triệu chứng hoặc biến chứng của một số bệnh lý.

Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TPHCM, một số người do có những bệnh của hệ động mạch như: viêm tắc động mạch, xơ vữa động mạch, hay tổn thương động mạch; một số khác lại có những bất thường bẩm sinh của hệ động mạch như: dị dạng động mạch, hẹp động mạch bẩm sinh...; một số khác thì do béo phì, nên khi ngồi xổm lâu là có thể làm cho các mạch máu bị chèn ép gây ra thiếu máu tạm thời ở phần chi dưới, dẫn đến tình trạng tê, tình trạng thiếu máu sẽ đưa đến thiếu oxy ở mô, trong đó có mô thần kinh là những tế bào rất nhạy cảm với tình trạng thiếu oxy, gây nên cảm giác tê chân.

Ngoài ra, tê chân có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý về xương khớp. Nguyên nhân tê tay chân chủ yếu do các bệnh xương khớp (đau thần kinh tọa, thoát vị, phong thấp, viêm khớp cổ tay…), xảy ra do sự chèn ép dây thần kinh, thường gặp trong bệnh: thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa, viêm khớp dạng thấp…

Bệnh thường có các dấu hiệu: tê tay chân, dị cảm, kiến bò, tê buồn… Tuy nhiên, tùy loại bệnh mà sẽ có các triệu chứng kèm theo như: đau vai gáy, đau thắt lưng (thoái hóa cột sống); đau nhức xương khớp từ lưng xuống mông (thoát vị đĩa đệm, đau thần kinh tọa).

Để xác định tê chân của trường hợp bạn đọc nêu trên có phái dấu hiệu bệnh lý về xương khớp hay không, bạn đọc nên theo dõi các biểu hiện kèm theo như đã nêu và đến cơ sở y tế để nhận được sự tư vấn trực tiếp của bác sĩ.

Bạch Dương

 

comment Bình luận

largeer