Tại sao trẻ biếng ăn dặm?

Trong giai đoạn ăn dặm, nhiều ông bố bà mẹ "phát sốt" tìm đủ mọi cách để em bé ăn dặm tốt nhưng thất bại. Dù có ép buộc đến đâu nhưng nguyên nhân gây nên sự việc lại có thể phát sinh từ chính thói quen ăn uống của cha mẹ.
22/09/2020 09:14

Theo khuyến cáo của các tổ chức y tế, trẻ em từ 6 tháng là thời điểm thích hợp để cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, nhiều mẹ đang mắc phải sai lầm khi cho bé tập ăn không lành mạnh, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé. Phương pháp cho ăn và lựa chọn, chế biến thực phẩm không phù hợp sẽ khiến trẻ biếng ăn. Nguyên nhân cụ thể sẽ khiến nhiều mẹ bất ngờ vì thói quen của mình.

Cho con ăn đồ xay nhuyễn

Mới đây, bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng - một bác sĩ người Việt đang sống và làm việc tại Mỹ đã chia sẻ câu chuyện "Nuôi con như nuôi heo" khiến không ít bố mẹ đang nuôi con nhỏ phải "giật mình".

"Vài tháng trước hai vợ chồng tôi có mời một cô bạn đi ăn trưa. Khi ăn trưa, cô than với tôi là con gái em nó biếng ăn quá anh ơi, vừa nói xong cô lôi trong giỏ ra một cái hộp chứa dung dịch vàng vàng nâu nâu sệt sệt ra đút cho đứa con gái ăn. Tôi hỏi cô cái món đó là thứ gì vậy, cô nói là đồ ăn xay nhuyễn, thịt cá rau quả có đủ trong đó, bổ lắm nha. Tôi trong bụng kêu trời mà ngoài mặt cười cười. Tôi nói cất cái đó vô đi, nó bổ cỡ nào ăn hoài ăn sao nổi, em ăn một món 3 ngày là ngán tới cổ, sao bắt nó ăn hoài một món, sao bất công quá vậy?..."

tre bieng an

Hình minh họa.

Từ câu chuyện được chứng kiến trên, bác sĩ Trương Hoàng Hưng phân tích lý do vì sao trẻ em không nên ăn đồ ăn xay nhuyễn theo kiểu trộn lẫn, đồng thời cũng chỉ rõ đây là lý do khiến nhiều trẻ trở nên biếng ăn.

Theo bác sĩ, đây là cách tốt nhất giết chết niềm vui khám phá vị giác của đứa con. Heo sinh ra là ăn tạp, nhưng con chúng ta đâu phải như vậy! Đồ ăn xay nhuyễn là cần thiết cho trẻ ở giai đoạn mới ăn dặm, nó giúp trẻ tập ăn nhưng nên xay món nào riêng món đó và cho trẻ ăn riêng chứ không nên xay nhuyễn và trộn lẫn vào nhau: "Chỉ có khoảng 5% trẻ biếng ăn thực sự, còn lại là do tâm lý là chính. Đồ ăn xay rất phổ biến ở Châu Á cũng như Việt Nam. Trẻ em phương Tây không ăn kiểu này. Trẻ châu Á biếng ăn nhiều hơn trẻ phương Tây rất nhiều, phần lớn là do cách cho ăn. Trẻ con khi mới ăn dặm cũng cần ăn đồ xay, nhưng món nào ra món đó, nếu không trẻ sẽ ăn không biết món đó là món gì.

An bột ăn dặm bán sẵn

Theo Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn (ĐH Worcester - Anh) chỉ ra: Trong nghiên cứu năm 2013, giáo sư Garcia, Đại học Glasgow (Anh) đã báo cáo: Các bột ăn dặm hoặc thức ăn dặm làm sẵn dành cho bé từ 4 tháng tuổi trên thị trường chứa nhiều gia vị, đặc biệt đường hoặc muối. Việc cho bé ăn một hỗn hợp gồm nhiều thành phần khi bé bắt đầu ăn dặm sẽ làm các bé khó chấp nhận được nhiều vị khác nhau. Sau một thời gian ngắn, bé sẽ nhận thức được sự khó chịu này và sẽ biểu hiện ngậm miệng hay quay đầu, chán ăn, thậm chí không thèm ăn, biểu hiện lâm sàng của biếng ăn xảy ra.

Bên cạnh đó, một báo cáo trong tập san y khoa Food Digestion năm 2012 của giáo sư Abrahamse đã giải thích: Vì hệ thống tiết enzyme tiêu hóa của các bé chưa hoàn thiện cho đến 12 tháng tuổi, nên giai đoạn bắt đầu ăn dặm khoảng 4-6 tháng tuổi, một số enzyme tiêu hóa đạm, chất béo và thậm chí một số tinh bột là chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng cho việc ăn nhiều loại thức ăn một lúc. Bé bị khó chịu, đầy hơi nhưng phải chịu đựng một mình, mà không hề biết.

an dam

Hình minh họa.

Ép bé ăn quá nhiều

Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi bé bước vào giai đoạn mới ăn dặm thường ăn rất ít, bắt đầu từ vài muỗng rồi tăng dần dần. Tuy nhiên, khi mẹ ép bé ăn quá nhiều dẫn đến tình trạng bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ảnh hưởng không tốt đến việc ăn uống sau này. Gánh nặng tâm lý sẽ khiến trẻ cảm thấy bị áp lực mỗi lần đến bữa.

Biếng ăn sinh lý

Các chuyên gia dinh dưỡng cũng chỉ ra rằng nhiều trẻ biếng ăn theo từng giai đoạn phát triển. Khi đó, dù trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng đột nhiên không thấy hứng thú trong ăn uống. Giai đoạn này có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Thực tế, khoảng thời gian trẻ biếng ăn sinh lý thường trùng với một số thời điểm như khi bé biết lẫy, ngồi, đứng, tập đi… Các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng vì sau đó, trẻ sẽ ăn uống bình thường trở lại. 

Trẻ bị thiếu kẽm

Theo nghiên cứu, kẽm là một trong những vi chất quan trọng giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, phát triển chiều cao, chức năng sinh dục… Tổ chức Y tế thế Giới (WHO) đã khuyến cáo trẻ trong độ tuổi 5-12 tháng cần bổ sung 5-8mg kẽm mỗi ngày; trẻ 1-10 tuổi cần 10-15mg/ ngày để phát triển chiều cao và thể chất tối ưu.

Khi cơ thể bị thiếu kẽm, trẻ sẽ mất cảm giác ngon miệng, rối loạn vị giác dẫn tới biếng ăn, nôn không rõ nguyên nhân, suy dinh dưỡng… Bởi vậy, các bậc cha mẹ cần tích cực bổ sung kẽm cho trẻ qua chế độ dinh dưỡng tăng cường sử dụng một số loại thực phẩm như thịt thăn heo… Để trẻ hấp thu kẽm hiệu quả, mẹ nên bổ sung vitamin C cho trẻ từ các loại trái cây như cam, quýt, bưởi…

Dương Nhung (Tổng hợp) 

comment Bình luận

largeer