Tăng đề kháng cho trẻ bằng việc bổ sung vitamin D

Đề kháng của một đứa trẻ quyết định bởi 1000 ngày đầu đời, nghĩa là từ lúc mẹ mang thai có thai kỳ khoẻ mạnh và giai đoạn 2 năm đầu đời của con sẽ quyết định phần lớn đề kháng cũng như phát triển của con.
23/03/2022 10:13
277241935_2143952659090687_3960783606781547279_n

Việc bổ sung vitamin A-D-C cho trẻ là một trong những điều căn bản nhất khi chăm con, nhưng một đứa trẻ cần có đủ yếu tố dinh dưỡng cân bằng, tiêm chủng đầy đủ, môi trường sống không ô nhiễm, vận động và giấc ngủ…thì mới đảm bảo đề kháng được.

Bài viết này sẽ nói trước về tầm quan trọng của vitamin D trong đề kháng, đặc biệt trong giai đoạn bùng dịch hiện nay. Mỗi ngày, bác thường được hỏi những câu hỏi như “Bác ơi con em ốm hoài làm sao cho con bớt ốm”, “Giúp em với, chồng em 2 vạch rồi em đang lo lây sang đứa nhỏ”, “Bác ơi con em bị Covid, em mới đọc bài này bảo bổ sung vitamin D3 tốt, có đúng không bác?”....

Trong một bài viết cách đây hơn 10 năm của Giáo sư Cynthia Aranow - một trong những chuyên gia xương khớp và lupus hàng đầu thế giới, bà cố gắng mô tả đầy đủ nhất về “Vai trò tăng cường miễn dịch cơ thể của vitamin D3” [1] nhưng thời điểm đó, nhiều người vẫn nghĩ vitamin D như một vitamin “đơn thuần” giúp hấp thu canxi, tốt cho xương khớp và tăng chiều cao.

Hơn 2 năm qua, khi loài người đương đầu với đại dịch covid-19, trong nỗ lực tìm giải pháp đối phó với Covid, các bác sĩ tìm thấy mối liên hệ giữa việc thiếu vitamin D làm tăng nặng tình trạng nhiễm nặng của SARS-CoV-2 và đủ vitamin D giúp tăng cường miễn dịch, phòng ngừa và giảm nguy cơ nhiễm. Vai trò của vitamin D - một trong những vitamin nòng cốt của hệ miễn dịch được quan tâm nhiều hơn.

Hệ thống miễn dịch như là tấm khiên bảo vệ cơ thể trước các virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác. Ảnh hưởng của sự thiếu hụt vitamin D đối với hệ thống miễn dịch đã trở nên rõ ràng hơn khi các nhà khoa học nhận thấy, thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ nhạy cảm với nhiễm trùng và bệnh tật.

Hiểu nôm na, Vitamin D3 là một trong những chất giúp các tế bào miễn dịch (lympho B, lympho T và tế bào trình diện kháng nguyên) hoạt động tốt hơn thông qua thụ thể của Vitamin D. Mà các tế bào này hoạt động tốt hơn thì đương nhiên khả năng đề kháng của cơ thể với các vi sinh vật nhanh và mạnh hơn.

MỘT SỐ HỆ QUẢ DO THIẾU HỤT VITAMIN D

- Những thai phụ không bổ sung đủ Vitamin D3 1000-1200 IU/ngày sinh con thường có nguy cơ tiền sản giật, nhẹ cân, hạ canxi trẻ sơ sinh, con sinh ra kém phát triển, dễ gãy xương và tăng tỷ lệ các bệnh tự miễn ở trẻ” [3] [4] [5]

- Những đứa trẻ bổ sung không đủ Vitamin D3 400-800 IU/ngày sẽ bị kém phát triển cơ - xương và tuyến cận giáp cũng bị ảnh hưởng do vitamin D3 là một tiền chất quan trọng của hormone PTH” [6]

- “Những đứa trẻ thiếu vitamin D3 cũng ghi nhận bị yếu cơ, khò khè, tăng trương lực cơ bất thường, thậm chí co giật…” [6]

- Và không cần nói đâu xa, các nghiên cứu từ người lớn đến con nít đều ghi nhận rằng “Việc bổ sung vitamin D3 giúp giảm tỷ lệ biến chứng covid-19 và giảm thời gian nhiễm bệnh”

[7] [8]

Bản thân mình là một bác sĩ huyết học nhi, khi được tiếp đoàn chuyên gia của các bác sĩ Singapore (NUS), mình có câu hỏi “Làm thế nào để tăng đề kháng cho những đứa trẻ ung thư, bởi vì, nhiễm trùng là một trong những vấn đề nan giải của trẻ ung thư và trẻ hoá trị” thì mình được khuyến nghị “Cung cấp dinh dưỡng đa dạng, đầy đủ vi chất, trong đó, ưu tiên các vi chất liên quan miễn dịch như Vitamin A, D và C”. Và đây cũng là bộ 3 vitamin mà mình khuyên những đứa bé khi đến khám với mình phải bổ sung đầy đủ.

Liều vitamin D

- 0-12 tháng : 400 IU (10 micrograms) mỗi ngày

- 01-70 tuổi: 600-800 IU (15-20 micrograms) mỗi ngày

- Từ 70 tuổi: 800 IU (20 micrograms) mỗi ngày

- Phụ nữ có thai và cho con bú: 1000-1200 IU (25-30 micrograms) mỗi ngày

- Ở trẻ em, việc sử dụng liều cao (trên 4000UI mỗi lần uống) có liên quan nguy cơ biếng ăn và ngộ độc [9] nên mình vẫn khuyên người lớn và trẻ em nên cùng bổ sung mỗi sáng trước khi đi làm, đi học với liều sinh lý sẽ an toàn hơn và dễ nhớ hơn. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp khiến nhiều trẻ phải ở nhà trong thời gian dài, nguy cơ thiếu hụt vitamin D rất dễ xảy ra.

Kết luận

(1) Bản thân vitamin D3 là một trong những điều cơ bản khi chăm sóc một đứa nhỏ vì nó không có trong sữa mẹ và mẹ phải bổ sung hàng ngày cho cả mẹ và con với liều từ 1 – 2 nhát xịt/ngày tương đương 400 – 800 IU.

(2) Vitamin D3 là một trong những bộ ba nòng cốt vitamin miễn dịch của cơ thể (Vitamin A, D và C) nên muốn nâng cao đề kháng thì nên ưu tiên bổ sung đầy đủ bộ ba vitamin này (vitamin A thì mỗi năm nhà nước có 2 đợt vitamin A liều cao, còn Vitamin C có nhiều trong thức ăn, có thể ưu tiên qua thực phẩm, đặc biệt ổi, cam…).

(3) Bản thân mình vẫn nhắc lại muốn NÂNG CAO ĐỀ KHÁNG không chỉ con nít mà cả người lớn thì cần:

[1] Dinh dưỡng đa dạng và cân bằng

[2] Vệ sinh cá nhân và đảm bảo giấc ngủ

[3] Vệ sinh môi trường sống xung quanh đảm bảo. Còn con nít thì có thêm yếu tố “thai kỳ của mẹ khoẻ mạnh” và “tiêm chủng đầy đủ vaccine những năm đầu đời”.

Chỉ cần tập trung vào đủ các yếu tố trên thì bản thân bạn đã đảm bảo trẻ khỏe mạnh và phát triển chuẩn sinh lý, giảm bệnh tật. Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh đang lan tràn hiện nay.

Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Thanh Sang - Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM 

comment Bình luận

largeer