Tập aerobic giảm nguy cơ ung thư di căn

Một nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Ung thư (Cancer Research) cho thấy, tích cực tập aerobic - những bài tập làm tăng nhịp tim, nhịp thở và cải thiện hệ tuần hoàn có thể giúp giảm tới 72% nguy cơ ung thư di căn.
08/11/2023 16:27

Ðể đi đến kết luận trên, các nhà khoa học đã đối chiếu dữ liệu nghiên cứu của một nhóm chuột được huấn luyện theo một chế độ tập luyện nghiêm ngặt, với một nhóm tình nguyện viên khỏe mạnh được kiểm tra sức khỏe trước và sau khi chạy bộ. Nguồn dữ liệu này được thu thập từ một nghiên cứu dịch tễ học với sự tham gia của 3.000 người trong khoảng 20 năm.

Kết quả cho thấy, xác suất ung thư di căn xảy ra ở những người thường xuyên tập aerobic cường độ cao ít hơn 72% so với những người không rèn luyện thể chất. Với kết quả tương tự cũng được ghi nhận trên chuột, các chuyên gia cho biết nghiên cứu đã giúp họ xác định được cơ chế tác động của tập aerobic đối với nguy cơ ung thư di căn. Tiếp tục phân tích mẫu nội tạng của chuột ở thời điểm trước và sau khi tập thể dục, cũng như sau khi chúng mắc bệnh ung thư, các chuyên gia phát hiện rèn luyện với aerobic đã làm giảm đáng kể sự phát triển của các khối u di căn ở hạch bạch huyết, phổi và gan.

Ảnh: Daily Mail

Ảnh: Daily Mail

Nhóm nghiên cứu cho biết lợi ích nêu trên có liên quan đến tốc độ tiêu thụ glucose trong cơ thể tăng lên khi tập aerobic (như chạy bộ, đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội). Theo đó, việc nội tạng gia tăng tiêu thụ glucose trong khi tập aerobic cường độ cao đã giúp làm giảm mức năng lượng cung cấp cho khối u, nhờ đó giảm nguy cơ ung thư di căn.

Cũng liên quan đến lợi ích từ việc rèn luyện thể chất, các nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Tim mạch Châu Âu mới đây cho biết tập thể dục trong khung giờ buổi sáng có thể giúp phụ nữ giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ xuống mức thấp nhất.

Trong nghiên cứu, các chuyên gia tại Ðại học Leiden (Hà Lan) đã tiến hành phân tích dữ liệu của hơn 85.000 người từ ngân hàng dữ liệu Biobank (Anh), độ tuổi từ 42-78, 58% là phụ nữ và không mắc bệnh tim mạch vào thời điểm bắt đầu nghiên cứu. Những người này được yêu cầu đeo một thiết bị có chức theo dõi vận động liên tục 24/7 cũng như ghi nhận các sự cố tim mạch - lần nhập viện đầu tiên hoặc tử vong vì bệnh mạch vành hoặc đột quỵ. Sau thời gian theo dõi 6-8 năm, có 2.911 người mắc bệnh tim mạch và 796 người bị đột quỵ.

Qua đối chiếu thời gian tập luyện, các chuyên gia phát hiện hoạt động thể chất trong khung thời gian từ 8 đến 10 giờ buổi sáng giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Cụ thể, so với các nhóm tập luyện vào buổi chiều hoặc tối, những người vận động tích cực nhất lúc 8 giờ hoặc 10 giờ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn lần lượt là 11% và 16%. Ngoài ra, nhóm vận động nhiều nhất vào thời điểm 10 giờ sáng cũng giảm 17% nguy cơ đột quỵ.

Theo Study Finds

comment Bình luận

largeer