Tây Ninh: Cứu sống bé gái 6 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Giữa đêm cuối tháng 11, một bé gái 6 tuổi bị rắn lục đuôi đỏ cắn được khoa Cấp cứu phối hợp cùng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh kịp thời cấp cứu thành công.
11/12/2023 14:17

Khoa Cấp Cứu tiếp nhận bé gái trong tình trạng đau nhức, sưng và bầm tím nhiều ở vùng vết cắn mu bàn chân phải. Được biết, trong lúc thức dậy đi vệ sinh, bé bị rắn lục đuôi đỏ cắn, sau đó ngay chỗ vết cắn sưng bầm tím, đau nhiều nên gia đình nhanh chóng đưa bé và con rắn đã bị đập chết đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh.

ran-luc-duoi-do-1668916995504465269126

(Ảnh minh họa)

Tại khoa Cấp cứu, sau khi nhận được báo động đỏ nội viện, bác sĩ chuyên khoa Nhi lập tức có mặt phối hợp cấp cứu bệnh nhi. Kết quả cho thấy, ngoài sưng đau phù nề cẳng bàn chân phải, bệnh nhi có rối loạn đông cầm máu nội, ngoại sinh mức độ nặng, nguy cơ xuất huyết cao. Sau hội chẩn và tư vấn khẩn với gia đình, bệnh nhi được xử trí kịp thời với huyết thanh kháng nọc rắn và hồi sức khẩn trương.

Sau tiêm huyết thanh, bệnh nhi được chuyển Khoa Nhi tiếp tục được theo dõi tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn điện giải, tổn thương thận cấp. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và đã được xuất viện.

BS.CKI Trần Hồng Lĩnh, bác sĩ chuyên khoa Nhi cho biết: Rắn lục đuôi đỏ cắn là trường hợp cấp cứu thường xuyên tại Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Tây Ninh, chỉ riêng trong tháng 11 này, đã có 07 trường hợp ở cả người lớn và trẻ em bị rắn lục đuôi đỏ cắn đến cấp cứu. Bệnh viện luôn có sẵn huyết thanh kháng nọc rắn nên may mắn các bệnh nhân được xử trí kịp thời, thoát nguy kịch.

Qua trường hợp này, bác sĩ khuyến cáo đến phụ huynh nếu trẻ bị rắn cắn, cần bình tĩnh trấn an trẻ, cho trẻ nằm bất động, thực hiện sơ cứu và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm huyết thanh kháng nọc phù hợp. Tuyệt đối không rạch, nặn hút vết thương để lấy nọc, không đắp lá cây lên vết thương vì có thể gây hoại tử nhiễm trùng, nguy hiểm đến tính mạng.

Để phòng ngừa rắn cắn, khuyến cáo nên thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa thông thoáng, nên ngủ mùng để vừa tránh muỗi đốt vừa tránh rắn và các côn trùng khác tấn công. Đặc biệt, không nên cho trẻ chơi ở những khu vực rậm rạp như bụi cây, đống lá rụng, đống gạch vụn,… vì đây thường là những nơi cư trú của rắn.

Mạnh Hà

comment Bình luận

largeer