Tê liệt dây thần kinh số 7: Nhận biết sớm, điều trị kịp thời

Tê liệt dây thần kinh số 7 thường gặp ở người trưởng thành, gây méo mặt, khó nói, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Phát hiện sớm và xử lý đúng cách giúp phục hồi nhanh, ngừa biến chứng.
21/07/2025 17:30

 Tê liệt dây thần kinh số 7 là gì?

Dây thần kinh số 7 là một trong 12 dây thần kinh sọ. Nó chịu trách nhiệm vận động cơ mặt, biểu hiện cảm xúc, kiểm soát cảm giác và vị giác 2/3 trước lưỡi. Đồng thời, điều hòa tuyến lệ, tuyến nước bọt, niêm mạc mũi và vòm miệng.

Khi bị liệt dây thần kinh số 7 thì cơ mặt một bên hoặc cả hai bên sẽ mất trạng thái vận động bình thường. Bệnh thường xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh trong vòng vài giờ đến vài ngày.

Empty

 Tê liệt dây thần kinh số 7 cơ mặt mất trạng thái vận động (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân gây tê liệt dây thần kinh số 7

Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng này gồm:

- Nhiễm virus: Virus herpes simplex hoặc virus zoster có thể tấn công dây thần kinh mặt.
- Nhiễm lạnh đột ngột, trúng gió: Thói quen để gió quạt, điều hòa thổi trực tiếp vào mặt hoặc ra ngoài trời lạnh khi mồ hôi chưa khô.
- Chấn thương vùng đầu hoặc mặt: Va đập mạnh có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh số.
- Đột quỵ hoặc bệnh lý não: Một số ca liệt dây thần kinh mặt là dấu hiệu ban đầu của tai biến mạch máu não và các bệnh lý ở nền sọ cũng dễ nhiễm bệnh.
- Rối loạn miễn dịch: Hệ miễn dịch tấn công nhầm dây thần kinh, làm viêm và sưng.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Việc phát hiện sớm các triệu chứng là yếu tố quan trọng để xử lý hiệu quả. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:

- Méo miệng, lệch mặt: Một bên mặt không cử động được, gây mất cân đối khuôn mặt. Khả năng nói bị hạn chế và khó mỉm cười.
- Không thể nhắm kín mắt: Mí mắt một bên không nháy hoặc khép lại được hoàn toàn.
- Chảy nước mắt hoặc nước miếng: Do cơ kiểm soát yếu.
- Mất cảm giác hoặc tê vùng mặt: Một số người cảm thấy râm ran như kiến bò ở bên mặt bị ảnh hưởng.
- Giảm vị giác: Đặc biệt là ở phần trước của lưỡi.
- Đau sau tai: Một số bệnh nhân bị đau âm ỉ hoặc nhói phía sau tai trước khi mặt bị liệt.

Cách xử lý khi có các dấu hiệu trên

Khi xuất hiện các dấu hiệu như méo miệng, không nhắm được mắt một bên, khó nói, chảy nước miếng, cần xử lý sớm để tăng khả năng phục hồi. Theo các hướng dẫn từ Mayo Clinic và Hiệp hội Thần kinh học Hoa Kỳ (AAN), cũng như khuyến nghị của nhiều chuyên gia thần kinh tại Việt Nam, người bệnh nên:

- Đi khám chuyên khoa: Tốt nhất là đến bác sĩ thần kinh hoặc tai mũi họng để xác định mức độ tổn thương và nguyên nhân.
- Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật đối với những bệnh nhân bị áp xe não, u não hoạc viêm tai.
- Điều trị bằng thuốc: Corticoid là thuốc kháng viêm mạnh thường được sử dụng để giảm sưng dây thần kinh. Thuốc kháng virus cũng được chỉ định nếu nghi ngờ nhiễm virus.
- Vật lý trị liệu: Bài tập kích thích cơ mặt, châm cứu, xoa bóp giúp tăng cường khả năng hồi phục. Nên thực hiện bởi chuyên viên vật lý trị liệu.
- Chăm sóc mắt: Do mắt không thể khép lại, cần dùng nước mắt nhân tạo, băng che mắt vào ban đêm để tránh khô giác mạc.
Giữ ấm và tránh gió lạnh: Không để quạt hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào mặt. Nên đeo khẩu trang khi ra ngoài trời.

Tê liệt dây thần kinh số 7 tuy không đe dọa tính mạng, nhưng ảnh hưởng nặng nề đến thẩm mỹ và sinh hoạt hàng ngày. Điều quan trọng là nhận biết sớm các triệu chứng, tránh chủ quan, và tuân thủ điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Một lối sống lành mạnh, giữ ấm cơ thể, bảo vệ sức khỏe thần kinh sẽ giúp phòng ngừa căn bệnh này hiệu quả.

Thảo Nguyên (Tổng hợp)

comment Bình luận