Thận trọng với viêm loét dạ dày khi dùng aspirin kháng viêm, giảm đau

Aspirin là một thuốc kháng viêm non - steroid (NSAIDs), có tác dụng giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, được sử dụng rộng rãi trong điều trị. Tuy nhiên, thuốc có tác dụng phụ, đặc biệt là có thể gây viêm loét dạ dày... Do đó việc dùng thuốc phải hết sức thận trọng.
22/07/2021 15:08

Dùng aspirin trong trường hợp nào?

Aspirin là thuốc có thành phần là acid acetylsalicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm, hạ sốt, giảm đau NSAIDs được sử dụng rộng rãi. Ngoài 3 tác dụng này, thuốc còn có tác dụng chống kết tập tiểu cầu (chống đông máu). Chính tác dụng chống kết tập tiểu cầu nên aspirin được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân dùng liều thấp để ngăn ngừa tình trạng máu đông, giúp giảm nguy cơ các bệnh lý nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch…

68

Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm, chống kết tập tiểu cầu

Đặc biệt là những bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật như bắc cầu nối mạch vành, can thiệp đặt stent động mạch vành thường được chỉ định dùng aspirin liều thấp kéo dài để ngăn chặn tình trạng xuất hiện cục máu đông tại nơi được can thiệp…

Tuy nhiên, aspirin nói riêng và nhóm thuốc NSAIDs nói chung ức chế sự tổng hợp prostaglandin gây viêm, thông qua việc ức chế hoạt động của enzym có tên COX-2, nên có tác dụng chống viêm giảm đau. Mặt khác các thuốc này lại ức chế luôn cả enzym có tên COX-1 (ức chế sự tạo thành prostaglandin sinh lý có tác dụng làm tăng tiết chầt nhày bảo vệ niêm mạc dạ dày) nên nhóm thuốc này có thể gây viêm loét dạ dày, thậm chí có thể gây xuất huyết.

67

Sau khi uống aspirin cần ngồi nghỉ ít nhất 10 phút

Điểm đáng chú ý, là ngoài tác dụng phụ trên dạ dày do ức chế enzym COX-1, thì việc tiếp xúc giữa bản thân thuốc với niêm mạc dạ dày cũng gây nên những tổn thương đáng kể. Cũng vì đặc điểm đó, nên hiện nay trên thị trường xuất hiện các loại thuốc chống viêm có dạng bao tan ở ruột (tức là không tan trong dạ dày) như aspirin pH8... 

Tuy nhiên như đã nói ở trên, thuốc bao tan chỉ có tác dụng hạn chế ảnh hưởng đến dạ dày do tiếp xúc, chứ không làm mất hẳn nguy cơ gây viêm loét dạ dày - tá tràng, do không làm mất đi khả năng ức chế enzym COX-1. Do vậy, người dùng thuốc chống viêm giảm đau có bao tan ở ruột, thậm chí dùng dạng tiêm hay dạng viên đặt hậu môn, vẫn có nguy cơ bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Cách dùng aspirin an toàn

Thuốc dùng trong dự phòng ngăn ngừa cục máu đông được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Khi uống thuốc, cần uống thuốc theo nguyên tắc sau để hạn chế tác dụng phụ:

Uống thuốc với nhiều nước (khoảng 250ml), sau khi ăn no. Uống thuốc xong không nên đi nằm ngay, cần ngồi nghỉ hoặc đi lại ít nhất 10 phút. 

66

Cần uống thuốc nguyên cả viên với nhiều nước

Không nên bẻ nhỏ hoặc nhai mà cần nuốt toàn bộ viên thuốc (đối với viên thuốc nén bao tan trong ruột). Với viên nang phóng thích kéo dài cũng không nên nghiền hoặc nhai thuốc, bởi sẽ khiến thuốc có tác dụng ngay và làm tăng nguy  cơ tác dụng phụ.

Trong trường hợp chỉ uống thuốc khi có triệu chứng đau, nên uống ngay khi vừa xuất hiện triệu chứng. Bởi nếu các triệu chứng đau đã trầm trọng thì thuốc có thể sẽ không hiệu quả. Aspirin tan trong ruột hoặc viên phóng thích chậm cần thời gian lâu  hơn để giảm đau. Do đó, nếu cần uống thuốc để giảm đau nhanh thì cần hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ về loại bào chế phù hợp.

Khi dùng aspirin pH8 điều trị đau đầu, nếu có một trong các biểu hiện: Nói khó, yếu ở một bên cơ thể, thay đổi thị lực đột ngột… cần gọi cấp cứu ngay.

Khi uống thuốc để giảm đau, giảm viêm, hạ sốt mà triệu chứng không giảm hoặc có chiều hướng nặng lên cần đi khám bệnh ngay.

Không nên dùng aspirin trên 10 ngày để điều trị giảm đau kéo dài. Không dùng thuốc quá 3 ngày để hạ sốt. Cần thông báo với bác sĩ ngay về tình trạng đau, sốt này bởi có thể là do nguyên nhân nghiêm trọng.

Theo ThS.Nguyễn Thu Hiền (SKĐS)

comment Bình luận

largeer