Thanh Hóa: Tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa vừa có văn bản gửi các huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
10/04/2021 16:42

 

021

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên

Theo ghi nhận của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế trong năm 2020, toàn quốc ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm làm 3094 người mắc và 30 trường hợp tử vong. So với năm 2019, số vụ tăng 51 vụ (58,0%), số mắc tăng 859 người (38,4%), số tử vong tăng 19 người (172,7%).

Trong đó, số vụ ngộ độc do độc tố tự nhiên (nấm, cóc, cá nóc, sò biển, ốc biển, rau rừng…) và ngộ độc rượu gia tăng nhiều so với năm 2019, làm nhiều người mắc và có tới 30 người tử vong. Đáng chú ý giai đoạn cao điểm diễn ra từ tháng 4 đến tháng 8 ghi nhận 66 vụ ngộ độc thực phẩm, tương đương gần 50% số vụ ngộ độc thực phẩm trong cả năm.

Để triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên trong thời gian tới, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa đề nghị Trưởng phòng Y tế, Giám đốc Trung tâm Y tế, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng và triển khai các biện pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương; huy động sự tham gia của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hôi, các đoàn thể để giám sát, dự phòng và kiểm soát nguy cơ ngộ độc do độc tố tự nhiên trên địa bàn.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về phòng chống ngộ độc do độc tố tự nhiên (đặc biệt là các loại động, thực vật có chứa độc tố như: nấm độc, cóc, cá nóc, so biển, cua mặt quỷ, cua quạt, ốc biển, rau rừng,…) đến các hộ gia đình, những người ở trên nương rẫy, ở sâu trong rừng (đối với các huyện miền núi), các ngư dân đánh bắt ngoài viển (đối với các huyện ven viển); kết hợp tuyên truyền cho học sinh ở các trường học trên địa bàn để mọi người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, không chế biến và không ăn các loại động, thực vật nghi ngờ gây ngộ độc.

Hướng dẫn người dân không may ăn phải các loại động, thực vật có độc, xuất hiện các triệu chứng nghị ngờ ngộ độc cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời.

Trung tâm Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động giám sát ca bệnh, nguy cơ ngộ độc do động, thực vật có độc để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp dự phòng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc, hóa chất để kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân và khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị thực hiện việc thông tin, báo cáo và điều tra, xử lý vụ ngộ độc thực phẩm do ăn các loại động, thực vật có độc theo quy định.

Hằng Dương

comment Bình luận

largeer