Thanh Hóa tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore

Sau khi nhận được công văn của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc thông báo ca bệnh Whitmore, Sở Y tế Thanh Hóa đã ban hành công văn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn về tăng cường phòng, chống bệnh Whitmore.
11/11/2022 11:08

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh Whitmore trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng chủ động phòng bệnh Whitmore với biện pháp dự phòng cơ bản nhất là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động; hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh. Những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn Whitmore để được điều trị kịp thời.

Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh Whitmore trên địa bàn. Tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh Whitmore để chủ động triển khai phòng, chống trong cộng đồng. Triển khai tuyên truyền về các biện pháp phòng chống Whitmore cho cộng đồng, đặc biệt là tại các khu vực đã ghi nhận ca bệnh, nội dung tuyên truyền cần chú trọng vào việc khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám phát hiện, điều trị người bệnh mắc Whitmore; cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại và điều trị bệnh Whitmore. Dự trù vật tư, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người dân hiểu rõ đường lây truyền và biết cách phòng, chống bệnh Whitmore. Thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chuyên môn, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và xử lý chất thải y tế, giám sát nhiễm khuẩn tại đơn vị, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng tránh lây chéo tại cơ sở y tế.

Thông tin chung về bệnh Whitmore:

Bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Bệnh lây sang người khi hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn hoặc qua vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất tại vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch... Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh Whitmore như sau: Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng, trước khi ăn. Thực hiện ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm. Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh. Những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer